Hoạt động của ngành

Sóc Trăng sẵn sàng cho ngày hội Oóc om bóc

Cập nhật: 25/10/2017 10:19:23
Số lần đọc: 466
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, sinh hoạt theo phong tục tôn giáo và hoạt động văn hóa, thể thao được địa phương quan tâm. Môn thể thao truyền thống gắn bó mật thiết đến đời sống tinh thần của bà con Khmer trong các dịp lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo truyền thống được tổ chức hàng năm.

Lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo được tổ chức hàng năm tại Sóc Trăng. Đây được xem là môn thể thao có đặc trưng của người dân đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Để chuẩn bị cho lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ 3 - khu vực ĐBSCL sắp tới, đội ghe Ngo chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã lên kế hoạch từ rất sớm như: sửa chữa, sơn vẽ ghe Ngo, giàn tập dưới nước cho đến công tác tuyển chọn lực lượng vận động viên (VĐV).

Thượng tọa Thạch Song - trụ trì chùa Bâng Tone Sa chia sẻ: “Năm nay, công tác chuẩn bị được thực hiện tương đối sớm như sửa chữa và sơn vẽ lại toàn bộ 2 chiếc ghe. Một chiếc ghe Ngo dành để cho các VĐV tập luyện, còn chiếc ghe từng giành giải trong mùa đua trước để tới gần ngày đua sẽ hạ thủy, tham gia thi đấu”.

VĐV Thạch Sơn Bal, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã có 6 năm tham gia đội ghe Ngo chia sẻ: "Hiện tại gia đình nuôi 4 con bò sữa, công việc hàng ngày như cắt cỏ cho bò ăn, vệ sinh chuồng trại và vắt sữa bò sau đó chở đi bán tại trạm thu mua, nên gia đình khấm khá, cuộc sống ổn định. Cứ tới mùa lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo tôi tranh thủ đến địa điểm tập luyện cùng anh em trong đội để tham gia lễ hội, niềm vui nhất là khi thấy đội mình giành chiến thắng từng trận”.

Ông Sơn Siêl - Ban quản trị chùa Bâng Tone Sa cho biết: “Năm nay, khi nhận được kế hoạch, điều lệ giải từ ban tổ chức, nhà chùa họp triển khai và thành lập tổ nhóm, hậu cần, tuyển chọn lực lượng vận động viên trẻ, khỏe mạnh, có kinh nghiệm để tập luyện. Ban huấn luyện cũng đánh giá cao về ý thức chấp hành tốt của các VĐV và quyết tâm giữ vững thành tích mang về cho địa phương”.

Theo ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ngay từ đầu năm, địa phương đã có kế hoạch ngày hội cho đồng bào Khmer và có bước chuẩn bị về hậu cần cũng như các khâu của sự kiện. Ngoài ra phối hợp với Ban dân tộc và các chùa để tập hợp VĐV chuẩn bị tập luyện; nâng cấp, sửa chữa ghe đua để góp phần cho ngày hội được sôi động hơn và có tinh thần thi đấu được tốt hơn.

Hiện các đội ghe Ngo như: Bâng Phniết (Liêu Tú), Prumvisal (thị trấn Lịch Hội Thượng), Prêk Ompu (Thạnh Thới An), ghe nữ chùa Đơm Pô (Đại Ân 2) cũng đang tích cực tập luyện.

Ông Lâm Hoàng Viên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chuẩn bị tham dự lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo năm nay, có tổng số 62 đội ghe Ngo tham dự, trong đó Sóc Trăng có 50 đội (có 42 đội nam, 8 đội nữ) và 12 đội ngoài tỉnh tham gia gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang. Hiện tại, các ngành chuyên môn tỉnh cũng đang nỗ lực để hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các đội, nhất là đội ghe Ngo nữ. Còn các đội ghe Ngo nam cũng đang ráo riết tập luyện với kỳ vọng sẽ mang niềm vui chiến thắng về cho địa phương”.

Ông Dương Văn Nhân, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Sóc Trăng, đại diện Ban tổ chức cho biết, Lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer ĐBSCL là sự kiện văn hóa - du lịch lớn tại Sóc Trăng được diễn ra từ ngày 28/10 - 3/11/2017. Lễ hội vừa tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc, thông qua lễ hội nhằm phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền vừa gắn liền với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương của cộng đồng các dân tộc./.

Nguồn: Báo Công Thương

Cùng chuyên mục