Gần 850 tỷ đồng nâng cấp cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế)
Đón khách du thuyền 5 sao Ovation of the Seas cập cảng Chân Mây. Ảnh: chanmayport.com.vn
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định: Trong tương lai, du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch thời thượng và đang được thế giới ưa chuộng. Vì vậy, việc quy hoạch cảng biển du lịch và xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục mở rộng cảng Chân Mây, đầu tư để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Việt Nam.
Dự án xây dựng bến cảng số 2, Cảng Chân Mây, với tổng vốn 849 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư sẽ triển khai xây dựng trong tháng 2/2018. Cùng với đó, tháng 9/2018 bến số 3 do Công ty TNHH Một thành viên Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành và đầu năm 2020. Đến năm 2020, cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng.
Theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, Việt Nam là nước có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển. Trên thực tế, lượng khách du lịch qua đường biển đang tăng nhanh với nhiều loại du thuyền chuyên chở lớn, yêu cầu cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng biển hiện đại để đáp ứng, nếu không sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực du lịch.
Cảng Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng Chân Mây vì thế hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dụng.
Hiện, sau khi nâng cấp, cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng hơn 3.000- 4.000 khách.
Như vậy, theo quy hoạch cảng biển Chân Mây sẽ có lượng hàng thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8 - 5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm.
Khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn. Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 01 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông quan năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1 triệu tấn/năm.
Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.
Trong 2 tháng cuối năm 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế có kế hoạch đón 20 chuyến tàu du lịch quốc tế với gần 40.000 du khách cập cảng Chân Mây; trong đó, riêng tàu Celebrity Millennium (thuộc hãng tàu biển Royal Caribeen Cruise Lines của Mỹ) sẽ có thêm 5 lần cập cảng Chân Mây, nâng tổng số tàu Celebrity Millennium cập cảng Chân Mây lên 8 lần trong năm nay, với khoảng 20.000 khách du lịch quốc tế đến Huế. Đây là tàu biển cao cấp hàng đầu thế giới, có tiện nghi xa hoa bao gồm hệ thống phòng nghỉ, các phòng ăn tối độc đáo, sang trọng, khu giải trí sòng bài, nhà hát, sân bóng rổ, sân tennis, hồ bơi, spa, shopping, dancing.
Lần cập cảng Chân Mây gần nhất của tàu du lịch quốc tế Celebrity Millennium (thuộc hãng tàu biển Royal Caribeen Cruise Lines của Mỹ) vào ngày 26/10, mang theo hơn 2.000 du khách và hơn 1.000 thủy thủ đoàn gồm nhiều quốc tịch đến tham quan Huế và Hội An.