Hành trang lữ khách

Bình yên Ba Bể, Bắc Kạn

Cập nhật: 07/11/2017 08:38:30
Số lần đọc: 432
Nằm lọt giữa những vách núi đá vôi và khu rừng nhiệt đới xanh bạt ngàn, hồ Ba Bể không chỉ là hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam mà còn giữ được hệ sinh thái phong phú, trở thành không gian xanh an lành đáng mơ ước.


Độc đáo hồ trên núi

Là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên độc đáo, nằm ở vị trí hợp lưu của hai dòng sông là sông Năng và sông Gâm nên hồ Ba Bể không bao giờ cạn nước, lại luôn đầy ắp cá tôm. Cái tên Ba Bể được đặt bởi hồ là tập hợp của ba hồ nhỏ là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng tạo thành. Hồ thuộc địa phận xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn), bao bọc xung quanh là rừng tự nhiên và dãy núi trùng điệp.

Bến thuyền phía hồ Pé Lèng có vẻ sôi động hơn cả. Cách không xa là đảo Bà Góa, một hòn đảo nhỏ bằng đá vôi nhô lên giữa hồ Pé Lèng là điểm hẹn của những ai ưa mạo hiểm. Thanh niên và du khách thích trải nghiệm thường leo lên mỏm đá cao nhất trên đảo rồi nhảy xuống dưới hồ, tiếng cười đùa, la hét cũng làm náo động một góc hồ.

Những chiếc thuyền đều quây quần trên bến. Một trong những điểm nhấn làm duyên trên hồ Ba Bể là những chiếc thuyền độc mộc được người dân địa phương sử dụng để đi lại. Những chiếc thuyền làm bằng một thân cây gỗ, không sử dụng kỹ thuật đóng ghép cầu kỳ cứ trôi nhẹ nhàng trên dòng nước xanh màu ngọc bích làm cho không gian sống động hẳn lên. Nếu không phải người có kinh nghiệm sông nước thì không dễ dàng để tự điều khiển chiếc thuyền nhỏ nhắn này, bởi vậy nhiều du khách chọn thuyền kayak để tự lái. Cứ len lỏi theo những ngóc ngách trong hồ sẽ có lối tới động Puông, động Hua Mạ, ao Tiên, đảo An Mã, thác Đầu Đẳng, thác Bạc… đều là những không gian hoang sơ và kỳ thú.

Khi mệt thì buông tay để dòng nước tự đẩy, ngắm cuộc sống bình lặng trôi qua trước mặt với núi non trùng điệp hai bên, mặt hồ rộng mênh mông trước mặt, những nhà sàn thấp thoáng hai bên bờ. Điều tâm đắc nhất khi tới đây là không khí trong lành của miền rừng núi, cộng với không gian thoáng đạt, mát mẻ khiến cho tâm hồn đều trở nên thư thái. Nếu như mùa hè, Ba Bể trở thành nơi trốn nóng lý tưởng thì mùa thu lại hấp dẫn bởi cái se se lạnh mỗi sáng sớm hay đêm về, kèm theo chút bảng lảng sương khói. Đầu mùa đông, nhiều cây trong rừng đổi sang màu vàng, vàng đỏ soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng càng làm nổi bật khung cảnh nên thơ.

Khoảng lặng bình yên

Buổi sáng, những chiếc thuyền đánh cá cập vào bờ, những chợ nhỏ họp quanh bờ, bán cá tôm dưới hồ vác lên, măng tươi, rau rừng bà con hái xuống trao đổi. Đó cũng chính là nguyên liệu cho những bữa ăn trong ngày của du khách. Trên bờ, nhiều người cố nấn ná lại quanh khu vực chợ ở bến thuyền, trò chuyện với các em nhỏ tranh thủ nghỉ hè lên núi kiếm củi mang ra chợ bán, đợi mua mấy xiên cá nướng thơm ngon, tìm thêm một xâu măng đắng để nhâm nhi trong bữa cơm cùng những gia chủ người dân tộc Tày thân thiện, mến khách.

Có khoảng 15 bản làng trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể, trong đó đông nhất là người Tày, sau đó là người Dao, Kinh, Mông… Bản Pác Ngòi là bản của người Tày, cũng là một trong những bản làm du lịch cộng đồng nổi tiếng của vùng, với nhiều ngôi nhà sàn trở thành điểm lưu trú và trải nghiệm của khách du lịch. Ở các bản Pó Lù, cũng đã bắt đầu có những hộ gia đình đón khách tới nghỉ dưỡng.

Những ngôi nhà sàn ven hồ Ba Bể thường mở cửa sổ để gió từ hồ thổi về có thể len lỏi tới từng ngóc ngách trong nhà. Bởi thế, những tiếng động to nhỏ nào từ hồ vọng vào cũng thấy như đang ở rất gần. Không phải tiếng rầm rì của động cơ buổi sáng mà tiếng người gọi nhau đi thu hoạch mẻ cá tôm mới là âm thanh dễ khiến người ta thức giấc rồi háo hức chạy theo vì tò mò. Cả đêm đặt vó, giăng câu nên những chiếc giỏ chẳng mấy đã đầy ắp cá, tôm. Về tới nhà sàn thì mặt trời mới lấp ló ánh nắng qua những tán cây.

Nếu không muốn đạp xe thăm thú những cánh đồng lúa hay lang thang khám phá khu rừng nguyên sinh thì có thể đi chợ. Chợ quê họp tự phát ngay phía bến hồ, bán chủ yếu là nông sản của bà con, rau rừng, măng trúc trên rừng, cá tôm dưới sông, tới một số loại nhu yếu phẩm chuyển từ dưới xuôi lên. Sau đó về nhà cùng gia chủ chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn, với các món ăn trên rừng dưới suối như cá nướng, xôi nếp nương, thịt lợn gác bếp, tôm chua, măng xào, rau dớn… Cuộc sống cứ bình yên như vậy sau mỗi nếp nhà. Sau bữa cơm, dăm ba người khách nhâm nhi chén trà trò chuyện, vài người khách ngồi ngắm trăng sao dưới mái hiên, có người thư thái lên kế hoạch sớm mai sẽ vừa nhâm nhi ly café, vừa ngắm nhìn mặt trời dần lên cao từ sau những dãy núi phủ sương sớm./.
Nguồn: Langvietonline.vn

Cùng chuyên mục