Các nhà Lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Phiên họp Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 (Ảnh: TTXVN)
Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC thông qua bao gồm 5 nội dung chủ yếu: (1) Thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững, (2) Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực, (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, (5) Cùng vun đắp tương lai chung.
Trong đó, đề cập đến du lịch, các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC “cam kết thúc đẩy du lịch bền vững, và xem xét khả năng phát triển du lịch ở các vùng sâu vùng xa như một phần quan trọng của các chiến lược tăng trưởng kinh tế APEC và tăng cường kết nối con người. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu đạt được 800 triệu khách du lịch đến khu vực APEC vào năm 2025”.
Nhìn vào Tuyên bố này có thể nhận thấy rõ cam kết và tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC về vai trò của du lịch cũng như tầm quan trọng của phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời du lịch được lồng ghép và nhìn nhận là một thành phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của APEC. Đây là nền tảng để du lịch, với vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp, phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng.
Các nhà Lãnh đạo APEC cũng đặt ra mục tiêu đón 800 triệu lượt khách du lịch đến khu vực APEC vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu chung này, mỗi nền kinh tế thành viên sẽ phải đặt ra chương trình hành động rất cụ thể cho ngành du lịch, tính toán các chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của mình và cam kết quốc tế.
Việc lồng ghép nội dung về phát triển du lịch bền vững trong Tuyên bố Đà Nẵng của Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đối với phát triển du lịch bền vững và là một thành công đối với ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2017 sau khi đã tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về Du lịch bền vững vào ngày 19/6 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Tại hội nghị Đối thoại, các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách du lịch các nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố cao cấp APEC 2017 về Du lịch bền vững. Đồng thời nhất trí sẽ báo cáo các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào tháng 11 năm 2017 về tầm quan trọng của việc thúc đẩy du lịch bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. APEC có sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên trong một khu vực rộng lớn, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Đối với du lịch Việt Nam, APEC là một thị trường nguồn đặc biệt quan trọng, chiếm tới 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Trước đó, ngày 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC đã diễn ra với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung trong đó nêu bật 4 trọng tâm ưu tiên cũng như tầm nhìn hướng tới 2020 và tương lai.
Đề cập đến du lịch bền vững, Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao kết quả Đối thoại Chính sách cao cấp về Du lịch bền vững. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giúp tạo thuận lợi cho phát triển du lịch bền vững và nêu bật thực tiễn tốt về các biện pháp đánh giá và giám sát để phát triển du lịch bền vững. Việc này hỗ trợ cho công tác bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các di sản văn hóa đã được tạo dựng và đang tồn tại cũng như giúp thích ứng và tận dụng các công nghệ mới để phát triển du lịch và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Qua đó, góp phần kết nối người dân trong khu vực APEC và thúc đẩy hội nhập về xã hội, tài chính và kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa”.
Truyền Phương