''Việt Nam mùa thứ năm'' và ''Vẻ đẹp tiềm ẩn''
Sao lại là “Việt Nam mùa thứ năm”?
Chúng ta đều biết rằng, một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cái lẽ thông thường đó tưởng chừng như một sự bất biến của quy luật vận động thời gian từ cổ chí kim, từ tây sang đông. Nhưng ở Việt Nam, còn có một mùa nữa-đó là mùa du lịch. Chính vì muốn tạo ra một cách nhìn mới, một điểm nhấn mới đối với du khách trong và ngoài nước mà Báo Du lịch (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) đã tổ chức cuộc thi ảnh mang tên “Việt Nam mùa thứ năm”. “Mùa thứ năm” có thể ẩn hiện trong suốt cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng cũng có thể là mùa “rất riêng” cho du khách quốc tế đến tham quan Việt Nam. Bởi vì đó là mùa của những nét đặc sắc, nổi bật chỉ có ở Việt Nam, từ cuộc sống thường ngày, đời sống tâm linh đến bản sắc và di sản văn hóa không lẫn vào đâu được. Còn trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong “ngũ hành” có “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ” luôn chuyển hóa, tương sinh, tương khắc để tạo nên đất trời, vạn vật và con người.
Đến với Việt Nam trong thời điểm “mùa thứ năm”, du khách sẽ bắt gặp một đất nước Việt Nam tươi đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống độc đáo. “Tắm mình” trong “mùa thứ năm”, du khách sẽ cảm nhận được tình cảm trìu mến, thân thiện của con người Việt Nam trên mỗi đường quê, góc phố. Đi đâu trên dải đất hình chữ S trong “mùa thứ năm”, du khách cũng luôn được “tận hưởng” một không khí yên lành và “thưởng ngoạn” phong cảnh thiên nhiên thanh bình, trù phú. Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng nói một cách đầy hình ảnh: “Với mong muốn “mùa thứ năm” ở Việt Nam gợi cảm, hấp dẫn như một thiếu nữ đang trong độ tuổi “dậy thì”, chúng ta rất cần những hình ảnh đẹp để quảng bá với du khách nước ngoài. Do đó, triển lãm ảnh “Việt Nam mùa thứ năm” đã góp phần tôn lên vẻ đẹp ấy để giới thiệu với bạn bè quốc tế, trước hết là các đại biểu đến tham dự Diễn đàn du lịch ASEAN trong dịp đầu năm 2009”.
Khám phá “vẻ đẹp tiềm ẩn”
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Chu Chí Thành, Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi cho biết: “Tôi đã tham gia ban giám khảo khá nhiều cuộc thi ảnh, nhưng cuộc thi này đã mang cho tôi hai cảm nhận mới. Bên cạnh cái tên cuộc thi “lạ, độc đáo, hấp dẫn”, tôi thấy phần lớn các bức ảnh dự thi “Việt Nam mùa thứ năm” thể hiện rất rõ bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam. Tôi cam đoan những nhà nhiếp ảnh hay du khách nước ngoài nhìn những bức ảnh này đều rất thích, vì hầu hết các bức ảnh đẹp ở sự tự nhiên, chân chất”.
Với thông điệp “Việt Nam-vẻ đẹp tiềm ẩn” nên các tác giả chủ yếu “chớp” lấy “thời cơ vàng” để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất, ấn tượng nhất về những du khách nước ngoài đến tham quan Việt Nam. Nếu như tác phẩm “Lưu luyến” của tác giả Văn Phúc ghi lại hình ảnh một nữ du khách phương Tây đang cười nói rất tươi tắn, hồn hậu với các bà mẹ dân tộc Mông bồng con trên đường đèo, thì nghệ sĩ Lại Diễn Đàm lại “chộp” được khoảnh khắc hai du khách nước ngoài “ngẩn ngơ” trước hương thơm nồng nàn của bó thóc nếp trên xe thồ của một chị nông dân đang chở từ đồng về nhà trong tác phẩm “Mùi thơm quyến rũ”. Còn tác giả Thái Tuấn Kiệt đã làm rung động trái tim người xem bằng tác phẩm “Chúng tôi làm người Việt” với hình ảnh đám đông du khách nước ngoài miệng cười tươi như hoa và tỏ vẻ tự hào khi được đội trên đầu chiếc nón lá mang đậm “tâm hồn Việt”.
Trong các tác phẩm ảnh bộ, các tác giả đã chú tâm khai thác chiều sâu của các vẻ đẹp danh thắng, di tích và lễ hội văn hóa. Với 5 bức ảnh chụp ở các góc độ, tiểu cảnh khác nhau, tác giả Vũ Đức Huy đã dựng lại một “Lễ hội Cầu Đinh” náo nhiệt, vui nhộn mà đầy chất lãng mạn và dạt dào tình yêu thương. Bộ ảnh “Phiên chợ Đồng Văn” của tác giả Phạm Bình như một “thước phim quay chậm” rất sống động về niềm hạnh phúc bình dị của những người dân vùng biên giới khi mua bán, giao lưu tại chợ. Hình ảnh hai cô gái Tây cao to, treo nải chuối tiêu trên bi đông xe đạp và “ngao du” hồn nhiên trên đường đất đỏ trong bộ ảnh “Đắc Lắc vẫy gọi”, hay mấy người nước ngoài tỏ vẻ thích thú khi tay cầm bút lông viết thư pháp trong bộ ảnh “Thư pháp Việt Nam” của nghệ sĩ Đào Quang Minh, như muốn góp thêm một góc nhìn về đất nước Việt Nam hiền hòa và lòng người luôn cởi mở với bạn bè năm châu.
Đến xem triển lãm ảnh “Việt Nam mùa thứ năm”, mỗi người có một cảm nhận khác nhau. Nhưng điều đọng lại trong tôi chính là các bức ảnh đã thể hiện vẻ đẹp rất đặc trưng Việt Nam mà chúng ta vẫn thường gọi là “Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Khám phá vẻ đẹp ấy từ triển lãm ảnh này, có thể không sợ quá lời khi gọi Việt Nam là một trong những “thiên đường du lịch” ở khu vực Đông Nam Á.