Hành trang lữ khách

Khám phá trên dòng Ngô Giang – Ninh Bình

Cập nhật: 05/12/2017 10:30:43
Số lần đọc: 634
Đôi mái chèo rẽ nước trên dòng Ngô Giang đất cố đô Ninh Bình, như đang đưa lữ khách trở ngược thời gian về nhiều thế kỷ trước của những vương triều bất khuất chống ngoại xâm. Đôi khi miên man như đang lạc vào tiên cảnh của chàng Từ Thức…

Lách cách tiếng mái chèo rẽ nước từ Vũng Trắm, đưa du khách rời đi, bỏ lại sau lưng hiện đại của phố xá thênh thang, của tiện nghi vật chất từ những resort, khách sạn. Thuyền nan đi ngang Cố Viên Lầu cổ kính rồi chìm ngập giữa thênh thang của núi non bao vây bốn phía. Hành trình mái chèo trên dòng Ngô Giang khám phá Tam Cốc đất cố đô Ninh Bình như một cỗ máy thời gian trở về quá khứ. Chân đạp mái chèo, cô lái thuyền khoan thai như đang du ngoạn sơn thủy hữu tình hơn là người phục vụ. Thỉnh thoảng, cô cất tiếng hát ca ngợi dòng Ngô Giang hay ngâm nga một bài thơ chữ của vua Trần, của những danh nhân từng đặt chân đến vùng “non Bồng nước Nhược” này. Đến kẻ lữ hành thong thả mấy vẫn không khoan thai bằng người chèo thuyền bản địa, cùng với giọng nói rất nhẹ nhàng, quý phái. Có lẽ, những cư dân đất cố đô Hoa Lư có chứa sẵn trong huyết quản cốt cách của giới quý tộc nho nhã dù họ chỉ là người chèo thuyền đưa khách du ngoạn.

Ngô Giang là một nhánh của sông Vạc bắt nguồn từ những dãy núi đá vôi. Tới Vũng Trắm, sông len lỏi qua những dãy núi đá vôi nguyên thủy. Qua khỏi núi Văn, núi Võ, hai bên bờ sông lao xao những thửa ruộng trồng lúa. Khoảng tháng 5 và 6, dòng sông trở nên vàng óng ả màu lúa chín sực nức mùi thơm. Dòng sông bị ba hang động chặn lối. Nhưng thiên nhiên đã làm nên những tuyệt tác, tạo dòng chảy xuyên qua các hang động, hình thành thủy đạo ngoạn mục. Hang không quá dài nhưng đủ để du khách cảm nhận được thủy đạo trong lòng núi lạnh ngắt và lý thú. Để rồi khi ra khỏi cửa động, một khung trời khác lại hiện ra mênh mang, hoang sơ đến mức gần như không có dấu chân người. Thiên nhiên ở đây được bảo tồn nghiêm ngặt từ bao đời nay như bảo vệ những gì quý giá còn sót lại của các vị Vua dành cho hậu thế. Chính vì vậy, vùng đất này rất có giá trị về mặt du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái.

Nhờ vị thế chiến lược và ngoạn mục, dòng Ngô Giang cùng với Tam Cốc như cánh cửa ngõ để vào cố đô Hoa Lư - kinh thành của nhà Đinh, nhà Trần từ ngàn năm trước. Hệ thống núi đá vôi tự nhiên ở đây tự hình thành một thành lũy vững chắc kéo dài cả trăm cây số. Bởi vị thế này mà năm xưa cậu bé chăn trâu dựng cờ lao tập trận Đinh Bộ Lĩnh chọn làm kinh đô lập nên nước Đại Cồ Việt. Ngày nay, dòng Ngô Giang và Tam Cốc là một trong số 20 di tích, danh thắng của đất cố đô làm say đắm lòng người. Không chỉ người Việt, mà rất đông du khách nước ngài đến từ năm châu cũng phải choáng ngợp trước vẻ đẹp sừng sững và thơ mộng nơi đây.

Vòng quanh Tam Cốc trong vòng năm cây số là cả một chuỗi những điểm đến mà du khách muốn đi hết phải mất thời gian hai, ba ngày để viếng thăm và khám phá: Đền Thái Vi, chùa Bích Động, Thung Nắng, Thung Nai, làng thêu, Cố Viên Lầu… Ghé lại Tam Cốc, du khách đừng vội vã, hãy đạp xe máy đi một vòng hết các điểm này để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp thuần khiết của đất cố đô. Hòa vào không gian của ngàn năm trước là những nếp nhà mộc mạc ẩn mình dưới tán cây, nép mình bên vách núi… mà bàn chân đạp xe suốt cả ngày vẫn không thấy mỏi. Ở vùng đất này, du khách nên sống chậm để tận hưởng. Bởi dù bạn có thể bỏ ra thật nhiều tiền, hoặc ở trong những resort sang trọng, cũng khó mà có được không gian như thế này. Đó thật sự là món quà của thiên nhiên ban tặng và được con người trân quý để giữ lại suốt hàng ngàn năm qua. Không ít lần, du khách đã lơ đãng giữa quá khứ và thực tại. Khi cảm xúc trải theo dòng Ngô Giang, con người như được về quá khứ những trận cờ lao của tuổi thơ, của những chiến thắng vẻ vang của nước nhỏ đối với nước lớn nhờ mưu trí và biết dựa vào Mẹ Thiên Nhiên nâng đỡ. Cho đến khi mái chèo khua nước sột soạt hay tiếng í ới chào nhau của bạn thuyền xuôi ngược, du khách mới ngơ ngác về thời hiện tại giữa thiên nhiên êm đềm như tiên cảnh./.

Nguồn: baocantho.com.vn

Cùng chuyên mục