Hải Dương: Trưng bày hiện vật khảo cổ học đặc biệt tại chùa Nhẫm Dương
Đây là một trong những hoạt động chính được tổ chức nhân dịp huyện Kinh Môn đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày mùng 10/12/2017 tới.
Sự kiện văn hóa có ý nghĩa này đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về khảo cổ học, về lịch sử văn hóa, nhân chủng học… của Trung ương cùng các đại biểu trong và ngoài tỉnh về dự và tham quan.
Trưng bày giới thiệu trên 210 đơn vị hiện vật với trên 1000 hiện vật các loại, gồm: Đồ gốm Việt-Hán từ Thế kỷ thứ I đến Thế kỷ thứ III tìm được trong khu vực chùa Nhẫm Dương; Hóa thạch răng người tìm thấy ở động Thánh Hóa có niên đại cách ngày nay từ 3 đến 4 vạn năm, rất có giá trị về nhân chủng học; các loại tiền kim loại từ Thế kỷ kỷ X đến Thế thế kỷ XX; Vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc thời Trần; Bộ sưu tập đồ gốm, sứ, đất nung tìm thấy ở chùa Nhẫm Dương và trong khu vực; Hiện vật gốm, sứ thời Đinh-Lê, Lý-Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng…; Các loại gạch có niên đại từ Thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X. Các loại răng trâu, lợn, nhím, hổ, lợn vòi, khỉ, đười ươi, tê giác, voi Ấn Độ...Các hiện vật thời văn hóa Đông Sơn như: rìu đá có vai, Mũi giáo, Xéo gót vuông, Thạp đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị đặc biệt khác, riêng có ở nơi này...
Sự kiện này nhằm góp phần quảng bá sâu rộng những giá trị về văn hóa và hệ thống các hang động tại Nhẫm Dương tới du khách trong và ngoài nước; góp phần nâng cao lòng tự hào về quê hương, đất nước, về truyền thống hào hùng của quê hương Kinh Môn. Đồng thời khẳng định Kinh Môn là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến, Nhẫm Dương vừa là di tích danh thắng, chốn Tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam, vừa là Di chỉ khảo cổ đặc biệt của Việt Nam cùng thế giới.../.