Hội nghị Quốc tế về Du lịch và Văn hóa tại Vương quốc Oman
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các đại biểu tại hội nghị
Hội nghị nhằm tìm ra các cách thức để xây dựng và tăng cường mối quan hệ giữa ngành Du lịch và Văn hoá cũng như nâng cao vai trò của các ngành này trong Chương trình Nghị sự đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững; đồng thời phản ánh kết quả của Hội nghị Quốc tế lần thứ nhất về Du lịch và Văn hóa được tổ chức tại Siem Reap (Campuchia) vào tháng 2 năm 2015.
Trong khuôn khổ hội nghị, ngày thứ nhất đã diễn ra 2 phiên đối thoại, bao gồm: Đối thoại các Bộ trưởng về “Du lịch, Văn hóa và Phát triển bền vững” nhằm hướng đến các chính sách để thúc đẩy các mô hình phát triển bền vững kết hợp du lịch và văn hóa; hỗ trợ du lịch có trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của các cộng đồng địa phương; tăng cường giao lưu văn hóa và tạo ra các nguồn lực để bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể. Phiên thứ hai là đối thoại chuyên đề “Du lịch Văn hóa như là một yếu tố kiến tạo hòa bình và thịnh vượng”, trong đó nhấn mạnh vai trò của du lịch và văn hóa trong bảo vệ di sản và sự hồi phục kinh tế tại các khu vực xung đột.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị
Ngày thứ 2 của hội nghị diễn ra 3 phiên. Phiên thứ nhất về “Phát triển du lịch và bảo vệ di sản văn hóa” với các nội dung: thúc đẩy quản lý du lịch có trách nhiệm và bền vững tại các điểm di sản thế giới, đặc biệt là tại các điểm đến du lịch mới nổi; vai trò của truyền thông/thuyết minh tại các điểm di sản văn hóa trong thúc đẩy bền vững; nguyện vọng của cộng đồng về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Phiên thứ hai về “Văn hóa và Du lịch trong phát triển đô thị và sáng tạo”, tập trung vào các nội dung như: khuyến khích đổi mới sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo; xây dựng sản phẩm du lịch di sản văn hóa tại đô thị; tạo cơ hội kinh doanh trong du lịch văn hóa từ các lĩnh vực sáng tạo; lợi ích kinh tế xã hội của các thành phố sáng tạo và phát triển đô thị bền vững.
Phiên thứ ba là “Khai thác du lịch thiên nhiên gắn với văn hóa trong du lịch” nhằm xây dựng các phương pháp mới để công nhận và hỗ trợ các yếu tố liên kết các giá trị tự nhiên, văn hóa và xã hội của cảnh quan đất liền và biển thông qua du lịch bền vững; đồng thời xây dựng các chương trình du lịch văn hóa tiêu biểu theo các chủ đề phát triển du lịch bền vững tại các vùng nông thôn thông qua phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bài: Lam Phương; ảnh: TCDL