Hoạt động của ngành

Ninh Bình - phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 14/12/2017 08:32:54
Số lần đọc: 492
Với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình đang tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách, hướng đến phát triển bền vững.

Nội lực để phát triển

Với thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh non nước hữu tình, Ninh Bình hiện đang là một trong những điểm đến nổi tiếng của miền Bắc với những di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới như: Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long hay ghé thăm cố đô Hoa Lư, Nhà thờ Đá Phát Diệm.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc hơn 1.000 năm kể từ khi Hoa Lư là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá và tôn giáo của cả nước. Trải qua bao cuộc hưng vong, binh đao khói lửa, Hoa Lư - Bái Đính vẫn là điểm hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc với những kiến trúc lăng tẩm, đền thờ vua Đinh - Lê, dấu vết kinh thành một thời vàng son, một thời xe ngựa tấp nập. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chùa Bái Đính đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh lợi thế trên, Ninh Bình - với tư cách một địa phương có vai trò là “trung tâm du lịch vệ tinh” trên lãnh thổ trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận nơi đã được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông, vì vậy hệ thống hạ tầng giao thông du lịch của Ninh Bình đến các trọng điểm du lịch trên địa bàn khá đồng bộ và phát triển. Từ quốc lộ 1A, có thể tiếp cận dễ dàng tới các khu vực có tiềm năng du lịch như: cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, đầm Vân Long...

Tìm giải pháp phát triển du lịch

Đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua, Ninh Bình đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến, triển lãm hội chợ trong nước; tổ chức các đoàn famtrip và presstrip tham quan khảo sát, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch cũng như tìm giải pháp để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. 

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Thành Đông cho biết: Thời gian qua, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về phát triển du lịch, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm du lịch tới du khách trong nước và quốc tế. Năm 2016, Ninh Bình đón 6,44 triệu lượt khách, trong đó gần 800 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, Ninh Bình đón 6,1 triệu lượt khách, trong đó có 700 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 2.100 tỷ đồng. Khách du lịch nói chung tăng 10%, khách quốc tế tăng 20% và doanh thu tăng 41,2% so với năm 2016.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững trong tình hình mới theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư các điểm vui chơi giải trí về đêm như chợ đêm, diễn xướng, tham quan chiêm bái về đêm... Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới và tại chỗ, đào tạo kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Hiện các điểm di tích, danh lam thắng cảnh ở Ninh Bình đều có sức hấp dẫn du khách với ý nghĩa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú; tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong hoạt động du lịch. Vì vậy, Ninh Bình cần trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức tour với những địa phương có kinh nghiệm và tổ chức hiệu quả để rút kinh nghiệm và phát triển tốt hơn trong thời gian tới; các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình cần mạnh dạn phát triển các tour ghép đoàn hàng ngày để các hãng lữ hành thuận tiện cho việc gửi khách lẻ; cần điều chỉnh giá vé tham quan và có cơ chế riêng về giá vé đối với các hãng lữ hành…/.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục