Hùng vĩ núi Ba Thê – An Giang
Núi Ba Thê còn có tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Ba Thê được dùng gọi chung cho cụm núi gồm Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc. Ngọn Ba Thê cao nhất với độ cao hơn 200m. Và sẽ vô cùng thú vị nếu chuyến đi của bạn đến đây là “du lịch phượt”.
Đến núi Ba Thê, du khách sẽ được thưởng ngoạn một thắng cảnh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho. Đứng trên chóp đỉnh núi phóng tầm nhìn bao quát cả khu vực. Quanh núi là những cánh đồng trải rộng, xa xa về hướng tây là vùng biển Rạch Giá, chênh chếch hướng tây nam là dãy Thất Sơn hùng vĩ án ngữ phía chân trời.
Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ, Linh Sơn Cổ tự, còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thu hút rất nhiều người đến tham quan, cúng dường. Chùa toạ lạc trên gò đất cao trong khuôn viên rộng 10.000 m2. Dọc theo lối đi và trong khu vực chùa là những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát. Có nhiều giai thoại về sự tích thỉnh Phật Bốn Tay về thờ ở chùa này, nhưng có lẽ câu chuyện của Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn Thích Thiện Trí, 85 tuổi được nhiều người chấp nhận nhất.
Chuyện kể rằng, năm 1912, khi Pháp huy động Nhân dân phá bỏ một gò đất lạng để xây dựng đồn bót thì phát hiện tượng Phật Bốn Tay cao trên 1,7 m bằng đất nung nằm sâu dưới lòng đất độ 2 m. Lúc này cư dân ở đây có trên 80% là người dân tộc Khmer nên họ bàn nhau thỉnh tượng về thờ ở chùa Khmer. Lạ thay, dù huy động hàng chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh nhưng vẫn không thể nhấc nổi tượng ấy. Hôm sau, Hoà thượng trụ trì chùa Linh Sơn khấn nguyện được rước tượng về thờ. Ngay lập tức chỉ với khoảng 4 người đã dễ dàng thỉnh tượng trên lộng gỗ về chùa. Dẫu sao đó cũng là một huyền tích.
Ðiều rất kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng là tại sân chùa hiện nay có hai tảng đá rất lớn nằm đối diện nhau, một tảng được khắc chữ cổ. Khi tượng Phật bốn tay mang về đặt rất khít khao vào khoảng cách giữa hai tảng đá cổ. Và chùa lập chánh điện đúng vị trí đó cho đến ngày nay.
Ngày 6/12/1989, tượng Phật Bốn Tay và hai tảng đá cổ được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận pho tượng và hai tấm bia đá có niên đại cổ xưa nhất. Ngoài ra, nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản.
Trên núi Ba Thê còn có vết chân khổng lồ mà Nhân dân tín ngưỡng gọi là Bàn Chân Tiên. Tại đây, người dân xây dựng ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Ở đây có tấm bia lịch sử bằng đá quý ghi lại sự kiện ngày 6/5/1968, đội biệt động của ta do đồng chí Nguyễn Văn Muôn chỉ huy tiêu diệt 29 tên địch tại đỉnh núi Ba Thê làm địch hoang mang lo sợ và rút quân.
Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Ðại đao khổng lồ. Tục truyền xưa kia bỗng xuất hiện một tảng đá lớn hình thanh đao. Sau khi xảy ra một trận cuồng phong mấy ngày đêm, tảng đá bỗng vỡ ra, xuất hiện một thanh đao lớn. Từ đó người ta đã xây một tháp để bảo vệ thanh đao khỏi mưa nắng hư hỏng, phục vụ cho Nhân dân tới chiêm bái.
Cách chùa Sơn Tiên chừng 10 m là Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo – An Giang. Công trình này có lối kiến trúc mang dấu ấn của nền văn hoá Hindu giáo. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi…
Đứng trên triền núi Ba Thê kỳ vỹ, tận hưởng từng làn gió thoáng đãng, ngắm không gian xanh của núi rừng rồi phóng tầm nhìn về phía làng mạc, thấy những cánh đồng trải dài xa tít, thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ yên bình mới cảm nhận hết được vẻ quyến rũ tột bậc của núi Ba Thê nổi tiếng./.