Non nước Việt Nam

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ Phú Quý – Bình Thuận

Cập nhật: 10/01/2018 09:28:40
Số lần đọc: 822
Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ, gần như chưa có các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Phú Quý đang dần trở thành cái tên “hot” trong giới trẻ yêu du lịch.

Trải qua thời gian dài chịu tác động của biển cả và gió mưa, địa hình đảo và đáy biển quanh đảo có hình thái cấu trúc với nhiều cảnh quan độc đáo, trong đó có những cảnh quan tự nhiên hùng vỹ - các vách dốc dạng tường thành, các cột đá, ở phần ngầm ven đảo là các thảm cỏ biển rộng lớn và rạn san hô với mức đa dạng sinh học cao.   

 


Cảnh quan tự nhiên độc đáo


Đảo Phú Quý tương đối bằng phẳng, thuộc dạng gò đồi, độ phân cắt yếu, nhưng vẫn thể hiện cấu trúc phân bậc khá rõ ràng. Trên đảo có 3 ngọn núi chính là núi Cấm, núi Cao Cát ở phía Bắc và núi ông Đụn ở phía Nam. Trong đó, núi Cấm hiện được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, vì vậy cảnh quan và các hệ thực vật được bảo tồn rất tốt. Đứng trên đỉnh Núi Cấm có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh trên đảo. Vào những lúc thời tiết tốt, trời trong xanh, từ trên đỉnh núi Cấm có thể  nhìn thấy các điểm cao ở đất liền như núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), mũi Cà Ná (Ninh Phước) và phần phía Nam của dãy núi Trường Sơn.  


Ven theo đường bờ đảo phát triển nhiều bãi cát, doi cát bồi, được cấu tạo bởi cát sinh vật có độ hạt từ nhỏ đến thô, màu trắng, bở rời. Thành phần vật liệu của chúng chủ yếu là vỏ xác sinh vật, các mảnh đá trầm tích phun trào màu xám, xám nâu và đá bazan màu xám đen. Nhiều nơi (bãi Dù, bãi cửa Hang, bãi Lăng, bãi Láng, bãi Phủ, doi Dừa) là những bãi tắm đẹp thu hút du khách và cả người dân địa phương đến tắm biển nghỉ ngơi vào những dịp lễ tết. Nhiều lạch, mũi đá nhô ra biển tạo nên đường bờ đảo đa dạng về cấu trúc hình thái.


Dấu vết của núi lửa


Trong phạm vi khu vực đảo Phú Quý, hiện còn nhìn thấy dấu vết của 5 miệng núi lửa cổ. Trong đó, núi Cấm và núi Ông Đụn là những chóp núi lửa điển hình, còn giữ nguyên được hình dạng ban đầu, các miệng núi lửa khác phân bố ven đảo Phú Qúy đều nằm trên vùng biển liền kề và chỉ nhô lên khỏi mực nước biển vào thời kỳ triều xuống thấp nhất. Hoạt động phun nổ của các núi lửa trong khu vực còn được lưu giữ khá tốt tại các khu vực khác nhau trên đảo.


Thiên nhiên hùng vỹ


Những tác động phá hủy liên tục của các yếu tố tự nhiên (chủ yếu là sóng biển, gió) đã tạo nên những danh thắng vừa huyền ảo vừa hùng vỹ.


Hang Đỏ nằm ở cuối bờ phía Đông đảo, là địa danh nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua. Cạnh đó là một bãi cát trắng, tuy nhỏ nhưng là nơi vui chơi giải trí lý tưởng cho du khách và dân cư trên đảo vào những dịp lễ tết. Dọc theo vùng bờ này là các bãi bom núi lửa mà kề bên nó, trên sườn dốc còn dấu tích gần như nguyên dạng của các dòng chảy dung nham banzan.

Các cột đá trên đỉnh núi Cao Cát được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích phun trào còn sót lại sau quá trình bóc mòn lâu dài và phức tạp, là dấu tích còn lại khá nguyên vẹn của miệng núi lửa Cao Cát. 


Vách đứng dạng tường thành ở sườn phía Đông Nam núi Cao Cát tạo nên một cảnh quan hùng vỹ, thể hiện sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên.


Đảo Phú Quý (Cù Lao Thu), đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) và đảo Cồn Cỏ là 3 đảo có cùng nguồn gốc núi lửa, tuy nhiên mỗi đảo lại có những cấu trúc cảnh quan tự nhiên kỳ vỹ mang sắc thái khác nhau. Nếu như đảo Lý Sơn được coi là một kỳ quan địa chất thì đảo Phú Quý có thể được xếp vào dạng một di sản địa chất đặc biệt. 

 

 

Ngọn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam


Địa hình ở đảo khá bằng phẳng, không có nhiều núi cao nên ngọn hải đăng Phú Quý nằm trên đỉnh của ngọn núi Cấm là điểm cao nhất trên đảo. Muốn chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m và có nhiều đoạn trơn trượt. Từ trên ngọn hải đăng, du khách phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh đảo từ trên cao, và thấy những tàu thuyền đánh cá chạy tấp nập trên biển. Đặc biệt, trên đường leo lên ngọn hải đăng bạn sẽ bắt gặp chùa Linh Bửu, khuôn viên của chùa rất rộng rãi và thoáng mát, lại có những chiếc võng để khách nghỉ chân.


Phú Quý được xác định là một trong bốn vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh Bình Thuận, có các tuyến giao thông đường biển trong nước và quốc tế đi ngang qua, đồng thời là điểm tựa hậu cần về an ninh quốc phòng cho Trường Sa. Đảo Hòn Hải thuộc Phú Quý còn là điểm cơ sở trong hệ thống 11 điểm cơ sở của biển Việt Nam dùng để tính bề rộng lãnh hải của Tổ quốc. Đảo Phú Quý có nhiều bãi tắm như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy... với những dải cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích; bao quanh đảo là 9 hòn đảo nhỏ như Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng... là những điểm du lịch sinh thái biển hấp dẫn. Đặc biệt, quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất nhiều chủng loại. Người dân nơi đây rất hiếu khách, mộc mạc của cư dân vùng biển./.

Nguồn: dulichbinhthuan.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT