Non nước Việt Nam

Xuân này về Đông Triều khám phá di sản nhà Trần

Cập nhật: 26/01/2018 09:29:43
Số lần đọc: 1185
Mùa xuân này, về với các di sản nhà Trần ở Đông Triều, du khách sẽ nhận thấy có nhiều sự đổi khác, cả về diện mạo của các di sản cho đến cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.


Am - chùa Ngoạ Vân là một trong những điểm thu hút du khách vào mỗi mùa hội xuân.

Năm nay, Thái miếu của nhà Trần tại thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh sẽ mở cửa đón bước chân du khách hành hương với diện mạo khang trang, quy mô bề thế sau quá trình tu bổ, tôn tạo gần 3 năm qua. Công trình này có giá trị rất đặc biệt trong quần thể di sản nhà Trần nơi đây. Qua kết quả khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã xác định được, công trình được đầu tư qua các giai đoạn khác nhau, khởi phát là Tổ miếu/Tiên miếu (nơi thờ tổ tiên), sau đó đã được đầu tư mở rộng trở thành Thái miếu (nơi thờ tổ tiên của hoàng tộc nhà Trần) với quy mô lớn, gồm 39 công trình các loại. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là các công trình giai đoạn sau này có cấu trúc mặt bằng hình chữ Vương và là Thái miếu có mặt bằng hình chữ Vương còn nguyên vẹn nhất trong các kiến trúc thời Trần được tìm thấy cho đến nay.

Thái miếu đã được TX Đông Triều huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trùng tu, tôn tạo trên nền kiến trúc gốc của di tích nằm trên đồi Đình. Tuy nhiên, vị trí công trình nằm lùi về phía sau so với mặt bằng di tích gốc, với mục tiêu sau này sẽ tiếp tục bảo tồn mặt bằng kiến trúc gốc phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục về di sản cho các thế hệ. Theo kế hoạch, thị xã sẽ tổ chức lễ khánh thành Thái miếu vào ngày 4/2 tới đây. Trong khuôn khổ chương trình sẽ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ ngay tại khuôn viên di tích.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng VHTT thị xã, cho biết: Đây là một trong những sự kiện quan trọng diễn ra dịp đầu năm mới này trên địa bàn Đông Triều. Vì vậy, công tác chuẩn bị hiện đang được thị xã tích cực triển khai để phục vụ tổ chức thành công sự kiện, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá về di sản nhà Trần đến nhân dân, du khách gần xa.

Cùng với Thái miếu, du khách về với Đông Triều mùa xuân này cũng được tận mắt thấy nhiều di sản nhà Trần khác đang được xúc tiến đầu tư tôn tạo. Lớn hơn cả là công trình chùa Quỳnh Lâm, sau bao năm chìm trong tiêu điều, hoang phế, nay đã bắt đầu phục hồi lại dáng vóc xưa, cho du khách sớm hình dung về một công trình bề thế của Quỳnh Lâm tự ngày nào. Rồi công trình tôn tạo chùa Trung Tiết, nơi gắn liền với câu chuyện về 2 vị trung thần của nhà Trần là Đặng Tảo và Lê Chung. Được biết, hiện nay, thị xã cũng đang phối hợp tiến hành khai quật khảo cổ các dự án tại đền An Sinh, am – chùa Ngoạ Vân, khu vực Đá Chồng... làm cơ sở khoa học tiếp tục đầu tư trùng tu các di tích xứng tầm với giá trị mà tiền nhân để lại.

Về với các di sản nhà Trần, du khách không thể không đến với Ngoạ Vân – “thánh địa” linh thiêng của nhà Trần. Xuân này, tuyến đường kết nối không gian các di tích Yên Tử - Hồ Thiên – Ngoạ Vân đã cơ bản hoàn thành. Từ ngã tư Nam Mẫu (TP Uông Bí), du khách đi thẳng sang Hồ Thiên, Ngoạ Vân và ngược lại, từ con đường chạy qua khu vực hồ Trại Lốc (xã An Sinh, TX Đông Triều), du khách cũng như các phương tiện dễ dàng vượt sang Yên Tử, với quãng đường được rút ngắn khá nhiều so với trước đây.

Ngọa Vân năm nay tiếp tục mở hội trong 3 tháng mùa xuân, đây cũng là một trong những sự kiện mở đầu nằm trong chuỗi 2 sự kiện, 5 hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh” của Đông Triều. Nét đặc biệt của hội xuân Ngọa Vân là phần hội thường rất đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian, như: Giao lưu văn nghệ của các câu lạc bộ hát chèo, đi cầu kiều, kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt chạch trong chum, ném còn... Theo chương trình của thị xã, các hoạt động này năm nay tổ chức tập trung tại khu vực nhà ga cáp treo Ngọa Vân, chủ yếu từ ngày khai hội (24/2) đến hết ngày 26/2 và xen kẽ tổ chức trong suốt mùa lễ hội xuân.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, đến nay, TX Đông Triều đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các tiểu ban; phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Xuân Ngoạ Vân. Đồng thời, các phương án về công tác tổ chức, an ninh trật tự, phòng cháy rừng, quản lý hoạt động dịch vụ, y tế, vệ sinh môi trường… cũng đang được khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt phương án để triển khai, sẵn sàng cho Lễ hội Xuân Ngoạ Vân 2018./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT