Tin tức - Sự kiện

Hội Gióng đền Sóc Sơn không còn hiện tượng tranh cướp lộc

Cập nhật: 22/02/2018 09:38:11
Số lần đọc: 793
Ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lễ khai hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội) đã được tổ chức.


Lễ rước cầu húc của thôn Xuân Dục, xã Tân Minh lên đền Thượng. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn có sự thay đổi quan trọng là không còn tục cướp lộc.

Cướp lộc là một tục trong nghi thức tất lễ (tán lộc sau khi lễ xong). Khi thôn Vệ Linh hoàn thành lễ Thánh giò hoa tre và thôn Đan Tảo hoàn thành lễ Thánh giò trầu cau tại đền Thượng, lễ phẩm sẽ được rước xuống đền Hạ (giò hoa tre) và xuống đền Mẫu (giò trầu cau) lễ tạ.

Hàng ngàn người sẽ xô vào cướp lộc sau tiếng hô “tất lộc” của chủ lễ, gây ra sự tranh cướp phản cảm, thậm chí nhiều năm xảy ra hiện tượng đánh nhau gây thương tích.

Sau những phản ứng của dư luận và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Gióng đã thay đổi hình thức tất lễ. Giò hoa tre và giò trầu cau sau khi lễ Thánh ở đền Thượng được đưa thẳng vào trong đền để tháo ra đưa vào hậu cung.

Lộc sẽ được khóa lại bảo vệ cẩn thận tránh trường hợp người đi lễ tràn vào trong để lấy lộc. Khách có nhu cầu xin lộc sẽ liên hệ với Ban tổ chức để được phát lộc.

Trước đó, Ban tổ chức lễ hội Gióng đã nhiều lần họp bàn với cơ quan quản lý văn hóa và cộng đồng nhân dân trong vùng để thống nhất phương án tất lộc, không để xảy ra hiện tượng tranh cướp phản cảm, ảnh hưởng tới nét văn hóa truyền thống vốn rất đẹp của Hội Gióng và được mọi người ủng hộ cao.

Giò hoa tre và giò trầu cau năm nay được làm nhỏ hơn các năm khác để đưa vào được trong đền. Tuy nhiên, do cửa đền không rộng, việc đưa vào tương đối khó khăn. Khi hoàn tất việc tiến cung hai giò lộc này, lễ phẩm của các thôn khác sau khi lễ Thánh xong vẫn tiến hành lễ tạ tại đền Hạ như bình thường. Vì vậy, lễ hội năm nay diễn ra yên bình, không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc phản cảm.

Là người tham gia các nghi lễ của lễ hội, bà Nguyễn Thị Toan, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn chia sẻ trước kia, người đi lễ hội có thể được mang lộc về khi tham gia cướp lộc nhưng việc cướp lộc dễ tạo sự xô đẩy, tranh giành nhau, thậm chí nhiều kẻ xấu lợi dụng để trộm cắp, bản thân bà cũng từng bị mất trộm. Vì vậy, bà Toan hoàn toàn ủng hộ khi Ban tổ chức lễ hội thay đổi hình thức tất lễ, không để cướp lộc như trước.

Trước những ý kiến băn khoăn việc thay đổi hình thức tất lộc và không còn nghi thức cướp lộc có ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống của lễ hội, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội khẳng định những nghi lễ về tâm linh vẫn được đảm bảo, không thay đổi.

Khi lễ vật rước lên đền Thượng làm lễ, tại đền Hạ và đền Mẫu, nghi thức lễ tạ cũng được thực hiện đồng thời. Việc thay đổi nghi thức tất lễ, tranh lộc để phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, đặc biệt là tránh các hành vi bạo lực, phản cảm trong lễ hội.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 23/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) với nhiều nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian.

Hôm nay (mùng 6 tháng Giêng) cũng là ngày khai Hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Bước đầu, Lễ hội chùa Hương được đánh giá diễn ra an toàn, văn minh, đảm bảo trật tự an toàn.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích chùa Hương cho biết trong ngày khai hội, chùa Hương đón khoảng 4 vạn lượt khách đến tham quan, trảy hội, không xảy ra trường hợp ùn tắc cục bộ. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách lên tới 20 vạn lượt người, cao điểm là ngày mùng 5 Tết có tới 7 vạn lượt khách.

Mùa lễ hội năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không để khách đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Những người tham gia phục vụ ở các đền, chùa, động trong Khu di tích thắng cảnh và lễ hội được quản lý chặt chẽ, phải được phép của Ban tổ chức Lễ hội mới được vào phục vụ.

Tại khu vực nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích, không bố trí các điểm kinh doanh.

Từ nhiều năm qua, tại Lễ hội chùa Hương đã cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Hiện tượng treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã không còn.

Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Vé thắng cảnh được quản lý chặt, những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn vé sẽ bị xử lý nghiêm.

Năm nay, để phục vụ du khách về Lễ hội chùa Hương, 4.500 chiếc đò ở địa phương được sơn đồng bộ màu xanh, gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác phục vụ khách.

Ban tổ chức không để xuồng máy, xuồng gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT