Non nước Việt Nam

Di tích chùa Tiên Châu - nét đẹp cổ xưa ở Vĩnh Long

Cập nhật: 13/03/2018 10:47:25
Số lần đọc: 1658
Chùa Tiên Châu tọa lạc trên một cù lao sông Cổ Chiên, thuộc làng Bình Lương và An Thành (nay là ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Tên chính thức của ngôi chùa này là Di Đà tự hay chùa Tô Châu. Sở dĩ gọi là Di Đà tự vì chùa thờ Phật Di Đà, còn gọi là chùa Tô Châu là vì có phong cảnh đẹp và thơ mộng với những cây liễu rủ bóng xuống dòng sông phẳng lặng trông rất giống như xứ lụa Tô Châu của Trung Quốc vậy.

Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Tiên Châu do Hoà thượng Đức Hội có pháp danh Tánh Minh, xây dựng lại bằng gỗ với tên gọi là Tiên Châu Di Đà Tự. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX, các vị sư ở chùa Vĩnh Tràng ( Mỹ Tho) qua hành đạo. Giai đoạn này chùa Di Đà đã bị xuống cấp nên tín đồ phật tử đã trùng tu tái thiết lại ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi (1899). Từ đó ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu Tự. Kiến trúc ngôi chùa gồm bốn khu: Tiền đường, Chính điện, Trung đường và Hậu tổ. Các gian được bố trí theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo hai chiều ngang, dọc nhờ các kèo dầm, kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho.

Hơn một thế kỷ qua, chùa Tiên Châu được tu sửa nhiều lần, mà lần trùng tu quan trọng nhất là xây dựng vào năm 1960 theo kiến trúc thượng lầu hạ hiên hiện nay. Lần xây dựng này dùng toàn vật liệu hiện đại. Theo đó, mặt tiền chùa được xây bằng bê tông, trên nóc là một căn nhà lầu có năm ngọn tháp nhọn, một tháp lớn ở giữa, bốn tháp nhỏ xung quanh, giữa tháp phía dưới là chữ “Tiên Châu tự”. Hai gian hai bên mặt tiền được xây dựng theo kiểu cổ lầu, bên trong tôn trí tượng Thiện Hữu và Ác Hữu, cũng có hoành phi, câu đối ca tụng.

Nội điện chùa được bố trí rất đẹp, giữa tứ trụ là một khánh thờ tượng Phật Di Đà bằng đất sét rất lớn. Dưới tượng Di Đà là bộ tượng Tam thế: tượng Thích Ca tọa thiền, Thích Ca sơ sinh. Phía sau, đấu lưng với khán thờ Phật Di Đà là Phật Di Lặc cũng rất lớn. Hai bên khán thờ là nơi thờ các vị: Thập Điện Minh Vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ, Quan công…

Trung đường và Hậu tổ là nơi thờ các vị Tổ sư Tiền bối, Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma và thiện nam tín nữ đã quá vãng. Đây cũng là nơi tiếp khách nên treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối có ý nghĩa thâm trầm.

Bên cạnh sự nổi tiếng về một di tích, danh lam, kiến trúc… chùa Tiên Châu còn được biết đến nhiều bởi truyền thuyết Bãi Tiên.Theo truyền thuyết, làng Bình Lương ngày xưa phong cảnh hữu tình, khí hậu thuận lợi nên nhiều người đến đây lập ấp. Người dân nơi dây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm là chính. Họ rất lương thiện và có cuộc sống cộng đồng rất hòa thuận. Vào một đêm trăng sáng, trai tráng trong làng đều chèo thuyền ra sông đánh bắt cá. Trên bãi cồn, trong một căn lều nhỏ dưới gốc bần, một cụ già nằm thao thức. Từng cơn gió nhẹ thổi vào mát mẻ và se lạnh, mang theo mùi hương thoang thoảng của hoa lá hòa quyện với những âm thanh của côn trùng trong lòng đất tạo thành bản giao hưởng du dương trầm bổng. Cụ nhìn ra xa bãi cát trắng xóa lắp lánh ánh trăng mờ. Ánh trăng bàng bạc cùng với luồng ánh sáng lập lòe là những bóng trắng mờ ảo thướt tha uyển chuyển của bao nàng tiên nữ giáng trần, vui chơi trên bãi cát. Câu chuyện được truyền miệng trong làng và từ đó lan xa trong thiên hạ. Cũng từ đó, bãi cát trên khúc sông này được gọi là Bãi Tiên.

Ngày nay, cù lao An Bình không còn bãi cát trắng xóa như ngày nào. Xung quanh chùa nhiều nhà cửa của dân làng mọc lên san sát. Khuôn viên chùa Tiên Châu có nhiều thay đổi, một số hạng mục mới được xây dựng như: cổng chùa, tường rào, tượng Phật Thích Ca tọa thiền dưới gốc bồ đề, tượng Phật Di Lạc, tượng Phật Bà Quan Âm... tạo nên một tổng quan yên tịnh và thanh quang.

Chùa Tiên Châu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa, loại hình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.  Đây là một ngôi chùa cổ, có cảnh đẹp không chỉ nổi tiếng ở Vĩnh Long, mà còn nổi tiếng cả vùng ĐBSCL, đã thu hút nhiều tao nhân mặc khách xưa nay./. 

Nguồn: vinhlongtourism.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT