Quảng Nam: Phát triển du lịch “đưa làng nối phố”
Tour du lịch (DL) khám phá vùng Gò Nổi được thị xã Điện Bàn triển khai thử nghiệm có thể bắt đầu từ phố cổ Hội An bằng đường thủy. Du khách lênh đênh trên dòng sông Thu Bồn, ghé thăm làng DLCĐ Triêm Tây, cơ sở đất nung Lê Đức Hạ, gỗ Nguyễn Văn Tiếp, làng nghề Đông Khương (xã Điện Phương)…
Bên cạnh những thắng cảnh thơ mộng, vùng đất Gò Nổi còn nức tiếng với những địa danh lịch sử văn hóa. Đây là vùng đất quê hương của những tên tuổi như Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu, chí sĩ Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Phan Thành Tài. Nơi đây cũng ghi danh 3 trong số 5 danh sĩ làm nên kỳ tích “Ngũ phụng tề phi” lẫy lừng của Quảng Nam, là tiến sĩ Phạm Liệu, Phạm Tuấn, phó bảng Dương Hiển Tiến. Gò Nổi cũng là nơi sinh ra những anh hùng, liệt sĩ trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm như y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương, bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám, nhà hoạt động cách mạng Phan Thanh, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), nữ anh hùng Trần Thị Lý,…
Bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT thị xã Điện Bàn, cho biết thị xã chọn làng Cẩm Phú ở Gò Nổi để thí điểm xây dựng làng DLCĐ nhằm kết nối, đón đầu sự lan tỏa khách từ Hội An trên con đường di sản, từ đó thúc đẩy du lịch Gò Nổi phát triển trong tương lai. Lợi thế của Cẩm Phú là điểm kết nối đường bộ và đường thủy tương đối dễ dàng cho khách trên tuyến hành trình du lịch Mỹ Sơn - Hội An. Ngoài ra, làng cũng sở hữu khá nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và làng nghề.
Nhiều doanh nghiệp du lịch đã khảo sát, trải nghiệm tại những vùng đất Triêm Tây, Gò Nổi của Điện Bàn đều nhận xét rằng đây là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển DL sinh thái, DL làng kết nối với phố. Vấn đề là làm sao cho du khách đến đây khám phá không thấy nhàm chán, người dân hưởng lợi từ DL thực sự. Quan trọng nhất là phải tạo ra một sản phẩm du lịch mới, độc đáo vì hiện nay sản phẩm du lịch sinh thái thường “na ná” nhau, đào tạo lại người dân để biết cách làm dịch vụ-du lịch…
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Tran Tours, cho rằng đầu tư vùng Gò Nổi theo hướng du lịch sinh thái, cộng đồng là định hướng đúng; chính quyền nên đầu tư bến bãi, giao thông thuận lợi để cho các doanh nghiệp đưa khách đến. Đặc biệt, địa phương nên kêu gọi đầu tư vào trồng rau sạch, trồng dâu nuôi tằm để thu hút du khách đến Quảng Nam. Sau khi đi thăm thú các di sản như Hội An, Mỹ Sơn sẽ có thêm những điểm đến mới khám phá làng quê Việt. Đây sẽ là nơi thu hút lượng khách nội địa, khách ở các địa phương lân cận rất tốt nếu biết khai thác vì xu hướng ngày càng nhiều người, gia đình thích đến những vùng quê trong lành, gặp những người dân mộc mạc.
Phát triển du lịch làng đang trở thành xu hướng của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, nhằm tận dụng lợi thế tại chỗ, hướng đến cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân. Đặc biệt, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, việc phát triển DL ở những vùng đất này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi sinh kế người dân mà còn góp phần tạo điều kiện để chính quyền địa phương quy hoạch lại không gian làng như vườn cây ăn quả, vườn nông nghiệp, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, xây dựng những con đường hoa, phát động cải tạo cảnh quan sinh thái theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu…
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn cũng thừa nhận rằng, du lịch Điện Bàn không bằng Đà Nẵng hay Hội An nên phải tìm ra một vài cái mới. Theo ông Hà, hiện Đà Nẵng và Hội An thường quá tải khách, nếu du khách muốn tìm đến những vùng đất mới của du lịch thì vùng Triêm Tây, Gò Nổi của Điện Bàn sẽ là những địa điểm lý tưởng. Hiện thị xã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát để xem xét cắt giảm các thủ tục không cần thiết, kể cả các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào đầu tư vùng đất này./.