Diễn đàn ASEAN+3 về bảo tồn di sản văn hóa
Xung quanh chủ đề "Sẵn sàng đối phó với rủi ro nhằm bảo tồn các di sản văn hóa", các bài tham luận tại diễn đàn đã nêu bật tầm quan trọng của công tác sẵn sàng đối phó và quản lý rủi ro nhằm bảo vệ các di sản văn hóa trong khu vực dưới mọi hình thức, với sự tham gia của nhiều ngành và chuyên gia bảo tồn.
Các đại biểu dự diễn đàn cũng đã khẳng định Kế hoạch "sẵn sàng đối phó với rủi ro" chỉ có thể đạt hiệu quả khi tập hợp được đội ngũ chuyên gia giỏi, những người góp phần giảm tối đa những thiệt hại có thể đối với các di sản quý báu của khu vực Đông Á.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Trương Thị Lan Tâm, Trưởng phòng nghiệp vụ kỹ thuật và nghiên cứu Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đã nêu bật giá trị, tiềm năng phát triển du lịch, giao thông đường biển, đánh cá và nuôi trồng thủy sản cũng như những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển và bảo tồn Vịnh Hạ Long, đã được UNESCO hai lần công nhận là di sản thế giới. Cụ thể như tác động của sự biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng lên, hiện tượng xói mòn, sự cố tràn dầu, tác động của hoạt động du lịch, các dự án nuôi trồng thủy sản hoặc hành vi hủy hoại môi trường của ngư dân.
Diễn đàn, do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Thái Lan phối hợp tổ chức với một số nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, dự kiến kéo dài đến ngày 19/1.
Ngoài các buổi hội thảo, chương trình còn có các chuyến tham quan nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản tại Ayutthaya, cố đô Thái Lan, Chiang Mai và tỉnh Champasak, Lào.
Khởi xướng từ năm 2005, hiện diễn đàn đã phát triển thành Mạng lưới Di sản Đông Á nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN + 3 trong việc bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa khu vực.