Tin tức - Sự kiện

Thành Điện Hải (Đà Nẵng) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Cập nhật: 29/03/2018 14:44:10
Số lần đọc: 762
(TITC) - Sáng ngày 29/3/2018 Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải được công bố theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành Điện Hải trước gọi là Đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, Đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay; và đến năm 1835, được đổi tên là Thành Điện Hải. Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh 1à hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông…

Trải qua gần 200 năm lịch sử, chịu sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh và của cả con người, Thành Điện Hải đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.Thành được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, chẳng những Thành không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề hơn, cả vùng đệm và vùng lõi – yếu tố gốc của di tích. Do đó, ngay sau lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích, Đà Nẵng đã tiến hành khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 1 với tổng kinh phí 102,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 10/2018 gồm các hạng mục: giải tỏa, đền bù nhà ở, phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kẻ hào, hạ tầng cấp thoát nước, tạo cảnh quan chung quanh như khuôn viên, cậy xanh, bãi đỗ xe. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được thực hiện trong năm 2019-2020, gồm các hạng mục bên trong Thành.

 

Hy vọng sau khi tu bổ, tôn tạo, di tích quốc gia đặc biệt này sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho việc tìm hiểu lịch sử, giáo dục, phát huy truyền thống, phục vụ tốt khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế./

                     

                                                                                                         Lê Hoa

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT