Trải nghiệm du lịch văn hóa độc đáo bậc nhất Việt Nam tại “Xứ sở nắng gió” Ninh Thuận
Ninh Thuận nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc – Nam, quốc lộ 1A và quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, đồng thời chỉ cách sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 60km đường bộ.
Không chỉ có giao thông thuận lợi, Ninh Thuận là nơi duy nhất tại Việt Nam mang khí hậu Địa Trung Hải. Cùng biển xanh, cát trắng, Ninh Thuận là chốn thiên đường biển giữa đất liền. Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nhớ ngay đến các địa danh nổi tiếng như: Vịnh Vĩnh Hy, Khu bảo tồn thiên nhiên núi Chúa, đường bờ biển Cà Ná... Không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh thơ mộng, hùng vĩ với mũi Cá Heo, mũi Yến, mũi Cọc, du khách còn có thể được ngắm san hô, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cá biển muôn màu sắc, khám phá cuộc sống cư dân miền biển, thử làm ngư phủ câu cá thu, các ngừ đại dương tại bãi Tây Sa và hòn Bò Bò; đặc biệt là được ghé thăm và chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công truyền thống tại làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc, tháp chàm Poklong Garai, chinh phục đồi cát Nam Cường, công viên đá 100 triệu năm tuổi. Con người thân thiện và cảnh sắc hữu tình nơi đây chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không thể quên trong lòng mỗi du khách.
Văn hóa Chăm là nền văn hóa chủ đạo của cư dân Ninh Thuận. Đây cũng đồng thời là “mỏ vàng” cho du lịch tỉnh nhà khai thác cùng với các thắng cảnh tự nhiên. Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận cho biết “Có thể nói du lịch và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung cho nhau. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc càng trở nên cấp bách đối với tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền địa phương và cộng đồng làm du lịch phải khai thác một cách hợp lý giá trị các di sản văn hoá của Ninh Thuận phục vụ cho du lịch.”
Huyền bí tháp Chăm
Ninh Thuận có nhiều di tích văn hóa cổ kính, lâu đời. Toàn tỉnh có 46 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Trong đó, tiêu biểu nhất không thể không kể tới các kiến trúc văn hóa của người Chăm như: Đền thờ Pô Inư Nưgar, tháp Pô KLông Garai, tháp Pô Rômê, tháp Hòa Lai.
Nổi tiếng bậc nhất trong các kiến trúc Chăm tại Ninh Thuận là quần thể tháp Pô KLông Garai. Quần thể tháp nằm trọng vẹn trên Đồi Trầu. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII đề thờ vị thần Pô KLông Garai, tương truyền là người có công phát triển hệ thống thủy lợi ở xứ Panduranga xưa kia. Hiện nay, cụm tháp vẫn còn nguyên vẹn về cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ phụng, cúng kính của người Chăm. Lễ hội Katê vẫn được tổ chức từ ngày 01 – 03/7 theo lịch Chăm hàng năm. Bộ Văn hóa, Thông tin nay là Bộ VHTTDL đã xếp hạng di tích quốc gia năm 1979. Tháp Pô KLông Garai cũng đồng thời là điểm đến không thể bỏ qua khi tới thăm Ninh Thuận.
Độc đáo lễ hội Katê
Lễ hội Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa phi vật thể của người Chăm. Lễ hội là tấm gương phản chiếu sinh hoạt và quan niệm tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền, tháp đến làng và từng gia đình, lễ hội Katê tạo thành một chuỗi sự kiện phong phú, đa dạng và mang đậm nét dân gian Chăm.
Vẻ đẹp của gốm Bàu Trúc
Bàu Trúc là làng gốm được các nhà khoa học đánh giá là làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á, làng nghề gốm duy nhất làm gốm không có bàn xoay tồn tại đến ngày nay. Đến với Bàu Trúc, du khách có thể thử sự khéo léo của mình khi cùng nặn gốm với các nghệ nhân Chăm. Với kỹ thuật nung gốm độc đáo, sản phẩm gốm Bàu Trúc còn có thể gọi là sản phẩm độc bản và khác hoàn toàn so với những nơi khác với đậm đà nét văn hóa truyền thống Chăm.
Nghề dệt phát triển lâu đời
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Làng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm có lịch sử phát triển lâu đời. Nét độc đáo của làng nghề này chính là việc người dân dệt thổ cẩm theo phương pháp thủ công, lưu giữ dấu ấn văn hóa với những hoa văn truyền thống Chăm còn mãi với thời gian. Với một nền văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc dân tộc, các nghệ nhân Chăm đã cách điệu, cải tiến mẫu mã và nâng giá trị sản phẩm làng nghề dệt nên được khách hàng trong và ngoài nước yêu mến.
Ngày nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và thế giới, Ninh Thuận không chỉ được biết đến bởi làn điệu dân ca dân gian Chăm làm say đắm lòng người, những bàn tay và trí óc tài hoa của các thiếu nữ cùng làng nghề dệt cổ Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc… mà Ninh Thuận còn đang chuyển mình mạnh mẽ với những bước đi dài trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đưa Ninh Thuận trở nên giàu đẹp, là điểm đến của Việt Nam trong tương lai./.