Tây Nguyên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Tây Nguyên là địa bàn cư trú của 47 dân tộc với những giá trị văn hóa khác nhau, tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Thế mạnh du lịch Tây Nguyên là du lịch sinh thái với thiên nhiên hoang sơ và du lịch văn hóa lịch sử.
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch ở Tây Nguyên đã có những tác động đến môi trường ở nhiều mức độ khác nhau. Mức độ ô nhiễm của nguồn nước, nguồn đất và nguồn không khí cùng việc khai thác, sử dụng quá tải các nguồn tài nguyên thiên nhiên khiến nguy cơ cảnh quan bị tàn phá; nhiều cảnh quan, hệ sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hặc suy giảm; các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như rừng nhiệt đới, thác nước, hang động, cảnh quan... bị biến dạng; những cánh rừng đại ngàn đang mất dần; các giá trị văn hóa truyền thống nhiều cộng đồng dân cư bị biến đổi; nhiều di sản xuống cấp...
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, đưa ra những đề xuất, giải pháp góp phần xây dựng Tây Nguyên xanh - sạch - đẹp gắn với phát triển bền vững, tại hội thảo đã có 29 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý du lịch, các chuyên gia và các địa phương nêu các vấn đề cụ thể như: thực trạng môi trường các địa phương trong khu vực; đánh giá tác động của du lịch đến môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường ở một số khu du lịch hoặc vườn quốc gia, khu du lịch cộng đồng; hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp bảo đảm các tiêu chí về môi trường; những cách làm tạo sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường... Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên./.