Đến Sa Pa để hòa mình vào không khí lễ hội rộn ràng
Mở đầu là Lễ hội hoa Đỗ quyên tại khu du lịch Cáp Treo Fansipan Sa Pa, diễn ra từ ngày 07/4 đến hết ngày 02/5/2018 với các hoạt động như: tham quan hoa Đỗ quyên khu du lịch cáp treo Fansipan, trưng bày, bán các loài hoa, cây cảnh của Sa Pa; trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại khu ga đi Cáp treo Fansipan, đây cũng là dịp công ty TNHH Du lịch dịch vụ Cáp Treo khai trương tuyến tàu hỏa leo núi dài nhất Việt Nam với nhiều ưu đãi dành cho du khách.
Trọng tâm của sự kiện là Lễ khai mạc Lễ hội mùa Hè năm 2018 vào lúc 19h30 ngày 28/4 tại sân Quần trung tâm thị trấn Sa Pa với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Sa Pa vào hội”. Cùng ngày vào lúc 22h00 trên các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên sẽ diễn ra phiên Chợ tình Sa Pa với nghi thức hát giao duyên của người Dao đỏ, hẹn hò giao duyên, cảnh kéo vợ của người Mông.
Bắt đầu từ 20h30 ngày 29/4, Lễ hội đường phố sẽ diễn ra tại sân Quần trung tâm thị trấn Sa Pa sau đó di chuyển đến sân bến xe cũ, ngã ba điện lực Sa Pa với các tiết mục văn nghệ dân gian các dân tộc; Lễ đón dâu của dân tộc Dao; Tục kéo vợ của dân tộc Mông; Lễ đón then về ăn tết, xòe của dân tộc Tày; Lễ cúng đất đầu năm của dân tộc Giáy...
Tại khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, thị trấn Sa Pa vào lúc 9h00 ngày 28/4 sẽ khai mạc Lễ hội trên Mây - Sa Pa với nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống; Trình diễn văn hóa ẩm thực với chủ đề “Chợ vùng cao” ; Trưng bày ảnh “Sa Pa giữa trời mây trắng”; Giải leo núi chinh phục đỉnh Hàm Rồng. Cùng với đó, trên các tuyến phố Hàm Rồng, Phạm Xuân Huân du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa, trưng bày các gian hàng, các sản phẩm đặc hữu của 05 dân tộc Sa Pa: Mông, Dao, Tày, Dáy, Xa Phó…
Cũng từ ngày 28/4, tại Vườn hoa Xuân Viên, thị trấn Sa Pa du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm Sa Pa trong 4 mùa với vẻ đẹp kỳ vỹ của vùng cao Tây Bắc trong triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Sa Pa” với 150 bức ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trên địa bàn huyện. Với những du khách ưa thích các loài hoa, cây cảnh của Sa Pa, tại Công viên Vạn hoa sẽ diễn ra trưng bày hoa, cây cảnh với hàng trăm chậu hoa đặc hữu của Sa Pa.
Cùng thời gian này, tại các xã, bản khác của huyện Sa Pa cũng diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Ngày hội khám phá văn hóa các dân tộc xã Tả Phìn và công bố Di sản văn hóa cấp Quốc gia danh lam thắng cảnh Động Tả Phìn và Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia nghề thủ công truyền thống Chạm khắc bạc của người Dao đỏ huyện Sa Pa; Ngày hội văn hóa Bản Mông Cát Cát tại Sân ngắm thác Khu du lịch Cát Cát với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông, rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi 7 màu, trải nghiệm khu công viên hoa với nhiều loài hoa đặc sắc vùng cao.
Từ ngày 16/6, du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, thu hoạch, cung cấp sản phẩm các loại cây hoa quả Sa Pa qua hoạt động Trải nghiệm vườn hoa, cây ăn quả Sa Pa tại Tổ 13, 14 Ô Quý Hồ thị trấn Sa Pa.
Ngày hội Văn hóa - Du lịch huyện Tam Đường - Lai Châu tại Sa Pa diễn ra từ ngày 19/5 - 20/5/2018 với các nội dung: Giới thiệu văn hóa, con người và các tuyến điểm du lịch độc đáo của Tam Đường tới doanh nghiệp và du khách đang có mặt tại Sa Pa. Tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu về văn hóa, con người và các sản phẩm du lịch và dịch vụ, ẩm thực của Tam Đường tại Sa Pa; biểu diễn văn nghệ dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian các dân tộc Tam Đường để giao lưu với đại biểu và du khách…
Hương Lê