Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ trở thành di sản văn hóa nhân loại
Dự lễ đón còn có đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ, ngành T.Ư gồm đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng VH-TT-DL; Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.
Cùng dự, có ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Đại sứ, Phó Đại sứ một số nước tại Việt Nam, là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; 11 đoàn đại biểu, nghệ nhân của 11 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian ở chín tỉnh miền trung, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, đã bám rễ ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương nơi đây, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung Bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Các câu chuyện trong bài chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và biểu dương cộng đồng chủ thể di sản Bài chòi đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy di sản đặc sắc này. Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị của Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa của Việt Nam, nhân loại nói chung.
Thủ tướng nhấn mạnh, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc, tích họp các giá trị văn hóa truyền thống, bài học lịch sử, kinh nghiệm, thái độ ứng xử của con người trong quan hệ với thiên nhiên và xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn, góp phần gìn giữ, vun đắp truyền thống yêu nước, trao truyền tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện cho chín tỉnh, thành phố có Di sản, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nghiêm túc tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, chính quyền tỉnh Bình Định nhận thức sâu sắc rằng, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam được vinh danh ở tầm quốc tế sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của Di sản đối với đời sống xã hội, làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam và nhân loại. Việc đón nhận Bằng UNESCO không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao, do đó cần phải đoàn kết đồng lòng kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc…
Trước đó, trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc UNESCO công nhận, ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam là DSVHPVT đại diện của nhân loại góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của di sản này. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cùng tám tỉnh, thành phố Trung Bộ có Di sản.
Đồng chí khẳng định, thời gian tới, chín tỉnh, thành phố dưới sự chủ trì của Bộ VH-TT-DL sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn, kiểm kê hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa Di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan và định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi…
Tại lễ đón, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận Bằng của UNESCO do ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao và trao lại cho đại diện lãnh đạo, nghệ nhân của chín tỉnh Trung Bộ sở hữu di sản Bài chòi.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023) gồm năm nội dung. Mục đích Chương trình nhằm công bố, kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Việt Nam và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình, để bảo vệ bền vững và phát huy hiệu quả di sản quý giá trên.
Buổi lễ tiếp tục với chương trình nghệ thuật có chủ đề “Âm vang Nghệ thuật Bài chòi”, gồm nhiều tiết mục đặc sắc Bài chòi và hát, múa đậm âm hưởng dân ca miền trung, thu hút đông đảo khán giả thưởng thức.