Quảng Ninh: Khai thác hiệu quả 2 tuyến, 3 điểm
Đến Ba Chẽ, du khách có thể trải nghiệm du thuyền trên sông Cổ Ngựa - nơi ghi dấu trận thủy chiến oanh liệt của quân, dân Ba Chẽ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (2/1951).
Dựa trên những lợi thế nổi trội và tiềm năng phát triển du lịch, tháng 3/2016, UBND tỉnh đã công nhận huyện Ba Chẽ có 2 tuyến, 3 điểm du lịch. Theo đó, tuyến 1 là du lịch tâm linh, tuyến 2 là du lịch tổng hợp; 3 điểm du lịch gồm: Di tích lịch sử miếu Ông - miếu Bà, chợ trung tâm Ba Chẽ và di tích lịch sử - văn hóa căn cứ địa cách mạng Hải Chi (đình làng Dạ). Du khách đến đây, ngoài khám phá các giá trị lịch sử, còn được trải nghiệm các điểm du lịch sinh thái phụ trợ, như: Du thuyền trên sông Cổ Ngựa; thác Khe Lạnh, thác Khe Lùng (xã Thanh Sơn), trang trại trà hoa vàng (xã Đạp Thanh)... Các tuyến, điểm du lịch này mang nét văn hoá đặc trưng của địa phương, tạo sự phong phú, hấp dẫn du khách khi đến với Ba Chẽ...
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, huyện đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý, hướng dẫn du khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, năm 2016 huyện đã đầu tư xây dựng bờ kè dài gần 300m, bến thuyền và 1 thuyền với sức chứa 20 người/lượt, đảm bảo đưa khách tham quan miếu Ông - miếu Bà và du thuyền trên sông Cổ Ngựa; xây mới chợ trung tâm gồm 2 tầng với quy mô kiên cố; trồng hoa, cây xanh tại khuôn viên quảng trường, trục đường chính. Để làm phong phú thêm các tuyến, điểm du lịch, tạo sức hấp dẫn người dân, du khách, huyện cũng đã đầu tư 4 điểm mua sắm, trong đó 1 gian hàng bày bán sản phẩm OCOP địa phương...
Với sự chủ động, tích cực trên, lĩnh vực du lịch của huyện có sự chuyển biến tích cực. Theo thống kê của huyện Ba Chẽ, trong quý I/2018, du khách thập phương đến với các lễ hội của huyện tăng so với cùng kỳ những năm trước. Cụ thể: Đình làng Dạ thu hút khoảng 2.000 lượt người; trang trại trà hoa vàng thu hút trên 5.000 lượt người; lễ hội Lồng Tồng khoảng 2.000 lượt người tham dự. Riêng đối với khu di tích miếu Ông - miếu Bà, sông Cổ ngựa, Lò sứ cổ - tuyến du lịch kết hợp đường bộ, đường thủy, thu hút trên 10.000 lượt khách...
Du lịch của Ba Chẽ đã có khởi sắc, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện tuyến du lịch tâm linh vẫn chưa được đầu tư các quầy bán hàng lưu niệm, chưa có nơi ăn, nghỉ, lưu trú. Còn tuyến du lịch tổng hợp, cơ sở vật chất vẫn hạn chế; giao thông đi lại chưa thuận tiện, nhất là đường vào trang trại trà hoa vàng, thác Khe Lạnh; chưa có bãi đỗ xe và nhà vệ sinh công cộng ở tuyến du lịch này...
Mặc dù địa phương đã quan tâm, định hướng cụ thể cho phát triển du lịch, đã hình thành các sản phẩm du lịch, điểm đến, tour, tuyến, song địa phương hiện khó khăn về ngân sách đầu tư hạ tầng du lịch. Công tác xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch mới chỉ dừng ở giai đoạn kêu gọi, chưa tạo sức hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này...
Với mục tiêu khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, theo kế hoạch, trong năm nay huyện tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng di tích lịch sử miếu Ông - miếu Bà, chùa Ba Chẽ; trùng tu, tôn tạo di tích Lò sứ cổ gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng tượng đài chiến thắng sông Cổ Ngựa. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm hàng hoá, sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã: Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Lương Mông.
Ba Chẽ cũng đang kêu gọi đầu tư cơ sở lưu trú, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 4-5 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ lưu trú du lịch địa phương; phấn đấu đến năm 2021 mỗi thôn văn hóa, điểm du lịch có từ 1-2 sản phẩm hàng hoá, sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ khách du lịch đến tham quan và mua sắm... Đồng thời, quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa vui chơi, giải trí như: Quảng trường 4/10; nhà văn hóa các dân tộc huyện; mở rộng đầu tư khuôn viên, bể bơi... Tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến, đầu tư trong ngành du lịch, kêu gọi doanh nghiệp, công ty lữ hành đầu tư, khai thác hiệu quả các tuyến, điểm du lịch./.