Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế 2017-2018
Thành phố xanh Đà Nẵng (Ảnh: Internet)
Được lựa chọn từ 132 thành phố thuộc 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, 40 thành phố này đã xuất sắc thuyết phục được Ban giám khảo bằng những cam kết và chương trình cụ thể nhằm giảm lượng phát thải các-bon trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong giao thông – chủ đề chính của cuộc thi lần này.
Khi các thành phố trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều và dân số thành thị ngày càng gia tăng, các vấn đề đô thị vì thế cũng nảy sinh nhiều hơn. Đó không phải là một tin tốt lành đối với chất lượng cuộc sống và môi trường đô thị. Tuy nhiên, thành phố cũng là nơi tập trung và phát triển nhiều sáng kiến. Hiện nay, đã có rất nhiều sáng kiến có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị mà không làm cạn kiệt tài nguyên của hành tinh.
WWF đã tạo ra Chương trình Thành phố Xanh nhằm thúc đẩy các giải pháp này và trao giải cho những thành phố nỗ lực hết mình thực hiện các giải pháp đó. Đó là những thành phố nỗ lực để cung cấp nhà ở, giao thông và năng lượng bền vững cho các công dân của mình, thu hút được sự tham gia của họ và đồng thời truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới.
Được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2011, Chương trình Thành phố Xanh 2017-2018 chú trọng hơn đến vấn đề giao thông xanh và bền vững - một thách thức lớn về môi trường đối với các thành phố trên toàn cầu. Hiện nay, 1/4 lượng phát thải các-bon trên toàn cầu đến từ giao thông đô thị.
Bà Phạm Cẩm Nhung – Điều phối Chương trình Các-bon thấp và Năng lượng của WWF-Việt Nam phát biểu: “WWF xin chúc mừng ba thành phố Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà. Đây là thực sự là một niềm tự hào khi cả ba thành phố, trong lần đầu tiên tham dự, đã vượt qua được nhiều thành phố khác trên thế giới để lọt vào vòng chung kết. Bằng chính các kế hoạch và cam kết hành động của mình, ba thành phố đã thuyết phục được ban giám khảo và cho thế giới thấy, Việt Nam đã và đang chủ động trong xây dựng và phát triển đô thị bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.”
“Cung cấp các giải pháp thay thế thông minh hơn như giao thông bằng xe điện và hệ thống xe buýt, hoặc ban hành các quy định để khuyến khích các tòa nhà ít phát thải các-bon là chìa khóa để đảm bảo cộng đồng tiếp tục phát triển nhưng vẫn duy trì được tính bền vững. WWF-Việt Nam hy vọng sẽ có nhiều thành phố của Việt Nam tham gia Chương trình trong những năm tới”, bà Phạm Cẩm Nhung chia sẻ thêm.
Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia Chương trình Thành phố Xanh. Năm 2016, thành phố Huế đã vinh dự nhận được giải Thành phố Xanh quốc gia ngay trong lần đầu tiên đăng ký tham dự.
Khi vào vòng chung kết, ba ứng viên của Việt Nam tiếp tục tham gia một hoạt động quan trọng khác của Chương trình Thành phố Xanh đó là chiến dịch “Tôi yêu Thành phố” diễn ra từ ngày 7/5 tới cuối tháng 6 năm 2018. Chiến dịch mở ra cơ hội để cộng đồng trên toàn thế giới có thể bình chọn thành phố họ yêu thích nhất, chia sẻ ảnh hoặc viết những điều họ yêu thích nhất về các thành phố này. Đây cũng là một diễn đàn để công chúng đưa ra những gợi ý và sáng kiến làm cho các thành phố xanh và bền vững hơn. Thành phố nào có số phiếu bình chọn nhiều nhất bởi cộng đồng sẽ đoạt giải: “Thành phố Xanh được yêu thích nhất toàn cầu”.
Trong thời gian này, Ban giám khảo Chương trình Thành phố Xanh sẽ xem xét để chọn ra thành phố tiêu biểu cấp quốc gia với danh hiệu Thành phố Xanh Quốc gia; và cấp Quốc tế với danh hiệu Thành phố Xanh Toàn cầu. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào cuối năm 2018.
Thông tin chi tiết về cuộc thi có thể xem tại: www.panda.org/opcc và http://www.welovecities.org.
Hồng Thanh