Châu Đốc (An Giang) - Thành phố du lịch tâm linh đặc sắc
Sau lưng, TP. Châu Đốc tựa vào dãy Thất Sơn, phủ một màu xanh trùng điệp và đẹp một cách kiêu hãnh, huyền bí làm thôi thúc bước chân du khách.
Tại trung tâm Khu DL núi Sam, có một quần thể gồm các ngôi chùa, miếu, lăng tẩm, với kiến trúc cổ đặc trưng, mang đậm dấu ấn tâm linh, vừa lưu giữ nhiều huyền thoại gắn liền với các nhân vật hào kiệt thời khẩn hoang mở đất.
Tương truyền, khi người dân đến khai phá vùng đất này, họ bắt gặp một pho tượng được đặt trên đỉnh núi Sam. Pho tượng có niên đại khoảng 2.000 năm, mang dấu ấn của dân tộc Phù Nam.
Theo nhà khảo cổ Malleret (người Pháp) đến nghiên cứu tượng Bà vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ núi Sam chính là thần Vishnu, là vị thần tượng trưng cho việc sáng tạo và tiến hóa của đạo Bà La Môn xuất phát từ Ấn Độ.
Mặt khác, Nhân dân tín ngưỡng và truyền tụng khi được dân chúng phát hiện và muốn mang tượng Bà xuống núi để dễ dàng thờ phụng, nhưng hàng trăm thanh niên lực lưỡng cũng không thể lay động nổi bức tượng.
Bà liền đạp đồng về xưng là Chúa xứ Thánh Mẫu, báo cho dân làng biết rằng muốn đem bà xuống núi chỉ cần 9 cô gái đồng trinh khiêng đi. Quả thật, 9 cô gái đến khiêng thì tượng bà bỗng trở nên nhẹ nhàng.
Khi đến vị trí miếu Bà hiện nay thì trời đã tối, mọi người hạ tượng xuống để nghỉ ngơi. Đến khi khiêng tiếp thì tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên được. Dân làng cho rằng Bà muốn ở lại đây nên lập miếu thờ đến nay.
Truyền thuyết còn cho rằng, khi Thoại Ngọc Hầu vâng lệnh vua đến khai phá vùng này và đào kinh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên, phu nhân của Thoại Ngọc Hầu đã đôn đốc dân công trùng tu ngôi miếu. Ngôi miếu này chính là chỗ dựa tâm linh cho những người xa xứ khi đến khai hoang ở vùng đất mới này.
Người xưa kể rằng, để giải trí cho những dân công sau buổi làm việc cực khổ, ông còn cho thành lập một đoàn hát bộ lấy từ những lưu dân ở Quảng Nam, Bình Định.
Hiện nay, bên trong vòng thành lăng Thoại Ngọc Hầu vẫn còn di tích của 13 ngôi mộ nằm bên góc trái của lăng, được cho rằng đây là những ngôi mộ của đoàn hát bộ đã theo ông trong hành trình khai phá đất phương Nam.
Nằm trong quần thể lăng miếu núi Sam, chùa Tây An là một di tích văn hóa lịch sử bởi gắn liền với truyền thuyết về ông Đoàn Minh Huyên, người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cách nay hơn 150 năm.
Đoàn Minh Huyên quê quán tại làng Tòng Sơn, tỉnh Đồng Tháp, là một sĩ phu yêu nước đi chu du khắp nơi để trị bệnh cho dân nghèo. Bị triều đình nghi ngờ là gian đạo sĩ, ông bị đưa đi an trí tại chùa Tây An.
Tuy vậy, ông vẫn đi các nơi, cùng đệ tử thành lập các trại ruộng để người dân có thể tự túc về lương thực và yên tâm hành đạo. Hiện nay, ngôi mộ của ông nằm phía sau chùa Tây An, quanh năm tấp nập khách hành hương đến chiêm bái và nhân lễ giỗ vào tháng 8 (âm lịch) hàng năm./.