Non nước Việt Nam

Thành cổ Vinh - Công trình kiến trúc thành lũy, lỵ sở ở Nghệ An thời Nguyễn

Cập nhật: 18/05/2018 15:20:55
Số lần đọc: 1646
Công trình kiến trúc thành lũy, lỵ sở ở Nghệ An thời Nguyễn được xây dựng kiên cố năm 1831 và đến nay chỉ còn 3 cổng thành nằm trên địa phận ba phường Cửa Nam - Quang Trung và Đội Cung (TP Vinh).

Nằm trên phường Cửa Nam (TP Vinh), Tiền Môn là cổng thành nguyên vẹn hơn cả so với hai cổng còn lại. Theo sử sách, năm 1803 Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884, vua dời trấn về Vĩnh Yên, cho xây thành bằng đất. 

Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu vô băng. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng tương đương 2.412 m; cao 4,42 m; diện tích 420.000 m2, bao xung quanh có hào rộng 28 m, sâu 3,2 m.

Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp thành phải lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

Phía trên lầu của cổng Tiền Môn được dựng bằng 4 cột gỗ to bằng một người ôm. Theo ghi chép, thành cổ có 3 cửa ra vào. Trong đó cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, cửa Hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu.

Cổng mỗi cửa ra vào rộng hơn 3m. Trải qua năm tháng các cửa này đã bị hư hỏng và được phục dựng nguyên hiện trạng. Bên trong thành cổ, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh Thống Đốc, phía nam có dinh Bố Chánh và Án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc. 

Cổng Hữu Môn nằm ở phường Đội Cung, cách hai cổng Tiền và Tả nửa cây số. Cửa thành nằm trên trục đường Đào Tấn và được vận dụng làm một làn đường để người tham gia giao thông qua lại.

 Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thành Vinh bị phá hoại rất nhiều. Ba cổng thành là chứng tích còn sót lại. Nơi này cũng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Nghệ An trong dịp về thăm quê những năm 1957-1961.

Năm 1998, thành cổ Vinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ( nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2004 UBND TP Vinh triển khai dự án tu bổ phục hồi 3 cổng thành.

Khu vực thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Nằm giữa 3 cổng thành là sân vận động Vinh. Nằm trong tour du lịch Cửa Lò - quê Hồ Chủ tịch, di tích cổng thành Vinh được nhiều du khách tìm tới thăm./.

Nguồn: vnexpress.net

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT