Nét đẹp truyền thống trong gia đình người Tày ở Nghĩa Đô (Lào Cai)
Bản làng nhà sàn của người Tày Nghĩa Đô. Ảnh:Thế Lượng
Trải qua thời gian, dù xã hội có thay đổi, dù cuộc sống có khấm khá hơn nhưng những nét đẹp cổ truyền vẫn được đồng bào Tày gìn giữ và truyền lại đến đời sau. Hạt nhân của hành trình lưu truyền những giá trị cao đẹp ấy chính là gia đình…
Nghĩa Đô là xã vùng cao nằm ở phía Đông Bắc huyện Bảo Yên (Lào Cai), là nơi định cư từ lâu đời của trên 90% đồng bào dân tộc Tày. Trải qua thời gian, đồng bào nơi đây đã tạo dựng cho mình một bản sắc mang đậm nét văn hóa cổ truyền. Phải được tận mắt chứng kiến, được nghe kể về những phong tục tập quán của đồng bào Tày Nghĩa Đô mới thấy những giá trị văn hóa cổ truyền được đồng bào nơi đây tạo ra và gìn giữ thật quý giá, mang đậm bản sắc vùng miền.
Cho dù cuộc sống có đổi thay, có khó khăn nhưng những nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình người Tày ở Nghĩa Đô vẫn được gìn giữ như những “báu vật” của gia đình mình mà không gì có thể thay đổi được. Khi nói về nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Tày Nghĩa Đô, chúng tôi không dám chắc là mình đã hiểu hết và nói hết được bởi những nét đẹp đó hiện hữu khá phong phú và đặc sắc trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động, trong văn hóa ứng xử, trang phục, ẩm thực và phong tục tập quán của đồng bào.
Tiếng nói bản địa (bản chẩu) của người Tày Nghĩa Đô luôn được coi là tài sản vô giá của đồng bào. Quý không phải là vì tiếng Tày hiếm có mà quý bởi đây là thứ ngôn ngữ mang đậm bản sắc Tày Nghĩa Đô chứ không lẫn với tiếng Tày ở vùng nào.
Ông Ma Thanh Sợi (bản Rịa, xã Nghĩa Đô), nghệ nhân dân gian, người đã dày công sưu tầm và tìm hiểu nét đặc sắc riêng của tiếng Tày Nghĩa Đô cho thấy, tiếng Tày vùng này có âm sắc trầm, cách phát âm rõ nét và dễ nghe hơn. Vì thế, người ta dễ dàng phân biệt được cách phát âm giữa người Tày Nghĩa Đô với người Tày các xã khác hoặc người Tày ở huyện Quang Bình (Hà Giang) và huyện Văn Bàn.
Xác định được tiếng mẹ đẻ là yếu tố vô cùng quan trọng nên ngay từ khi mới sinh ra và lớn lên, đứa trẻ Tày đã được các pả (bà), ấm (mẹ), pò(bố) dạy cho biết cách phát âm tiếng Tày rồi trước khi đi học mầm non học tiếng Việt, những đứa trẻ Tày Nghĩa Đô đã biết nói và giao tiếp thành thạo ngôn ngữ bản địa rồi. Với người Tày Nghĩa Đô, đó là cách để mỗi người luôn nhớ về nguồn cội của mình, luôn yêu tiếng bản địa và thứ tiếng ấy luôn chảy trong huyết quản của mỗi người. Để rồi sau này dù có đi đâu xa hay công tác xa, người ta vẫn biết nói tiếng Tày tròn vành rõ chữ.
Ông Ma Thanh Sợi cho biết: “Trong cuộc sống gia đình thường ngày, trong mỗi gia đình người Tày Nghĩa Đô, người ta giao tiếp với nhau bằng tiếng Tày, đặt tên cho các vật dụng trong gia đình cũng bằng tiếng Tày rồi các món ăn cũng mang phong vị Tày. Rồi ngay cả trong các bài cúng tổ tiên hay hát then, người Tày Nghĩa Đô dùng tiếng Tày để cất lên những âm điệu mang đậm tiếng rừng, tiếng núi và tiếng lòng của mình nơi xứ sở này”.
Cùng với tiếng nói thì trang phục Tày được các gia đình Tày ở Nghĩa Đô gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Tuy cuộc sống hôm nay có đổi khác nhiều nhưng về Nghĩa Đô, người ta vẫn nhìn thấy những bộ trang phục Tày màu chàm truyền thống. Trong mỗi gia đình, những người phụ nữ Tày là những người tiên phong trong việc duy trì và gìn giữ nét đẹp trang phục của dân tộc mình. Họ mặc váy áo trong lao động thường ngày, mặc áo dài Tày, vấn khăn, đeo vòng trong lễ hội của địa phương và vào mỗi dịp tết. Con gái lớn lên đều được mẹ dạy cho biết cắt vải để khâu váy, khâu áo và biết dệt những tấm thổ cẩm lớn làm chăn cưới, làm gối…Vì vậy, về thăm các gia đình người Tày ở Nghĩa Đô, bước chân lên cầu thang đã thấy nhà nào cũng đặt ở đầu nhà chiếc khung cửi truyền thống để dệt vải và dệt thổ cẩm.
Còn những người đàn ông Tày thì luôn duy trì bộ trang phục áo chàm ngắn cùng mũ nồi trong cuộc sống thường ngày và trong cả lễ hội. Khi trai, gái Tày dựng vợ gả chồng thì bắt buộc phải theo phong tục của dân tộc mình là mặc trang phục hoàn toàn là của người Tày chứ không có sự pha tạp của các bộ trang phục khác. Ngày nay, học sinh Nghĩa Đô đến trường từ bậc mầm non đến THPT, các gia đình người Tày vẫn chuẩn bị cho các em những bộ trang phục truyền thống để mặc vào đầu tuần hay những ngày lễ lớn. Với người Tày Nghĩa Đô, đó là cách để nhân lên niềm tự hào và hãnh diện của con em mình đối với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Không gian nhà sàn truyền thống của người Tày Nghĩa Đô cũng là nơi diễn ra những phong tục tập quán mang đậm bản sắc. Mỗi gia đình, mỗi bếp lửa, mỗi sàn nhà, mỗi bậc cầu thang là nơi khơi bùng lên vẻ đẹp cổ truyền của người Tày. Trong một năm, các gia đình người Tày Nghĩa Đô tuần tự tổ chức các ngày tết đặc biệt có ý nghĩa như tết nguyên đán độc đáo và ấm cúng, tết rằm tháng giêng nhộn nhịp náo nức, tết rằm tháng bảy sum họp, tết mừng lúa mới tưng bừng vui vẻ…Bằng ấy cái tết đã đủ để nói về sự sum vầy, đoàn tụ và cùng nhau vun đắp cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc của cư dân Tày vùng Nghĩa Đô.
Vào những dịp tết, các gia đình người Tày chủ động chuẩn bị mọi thứ cho tết, vừa là để tổ chức những cái tết đầm ấm no đủ, vừa là để dạy bảo và truyền lại cho lớp trẻ những phong tục chỉ có ở nơi đây. Cùng với mỗi cái tết là những món ẩm thực mang đậm bản sắc Tày. Không gian bếp lửa trong mỗi gia đình chính là nơi sẽ cho những món ăn ngon và độc đáo từ chính bàn tay của những người trong gia đình. Từ hạt nhân là mỗi gia đình, người Tày Nghĩa Đô đã tạo cho mình một miền ẩm thực vừa hấp dẫn, vừa độc đáo để rồi mỗi ai khi đặt chân đến vùng đất lòng chảo này dù chỉ được thưởng thức một lần mà nhớ mãi không quên.
Người Tày Nghĩa Đô từ lâu đời ở nhà sàn. Vì vậy, nhà sàn đã trở thành một nét đẹp truyền thống bền vững của đồng bào nơi đây. Về Nghĩa Đô, những căn nhà sàn vững chãi nằm chênh vênh bên dòng suối Nậm Luông đã làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống nơi đây. Vì vậy, đời này qua đời khác và cho đến hôm nay, người Tày Nghĩa Đô vẫn giữ và truyền lại nét đẹp trong phong tục làm nhà sàn. Dù khó khăn đến mấy những khi một người đàn ông Tày lập gia đình, ra ở riêng cũng phải cố gắng làm cho mình một căn nhà sàn để ở. Có đến đâu thì làm đến đó, giàu thì làm nhà to, còn bình thường thì làm căn nhà nho nhỏ.
Bởi vậy, đến nay, những căn nhà sàn cổ vẫn còn đó, những căn nhà sàn mới tiếp tục mọc lên bên suối giống như sự tiếp nối kỳ diệu của nét đẹp quê hương Nghĩa Đô. Trong không gian nhà sàn, những người cao tuổi là ông bà, bố mẹ dạy cho con trẻ biết về phong tục làm nhà sàn, những bài cúng ma tổ, những nơi linh thiêng trong nhà như: cầu thang, bếp lửa, nơi đặt bàn thờ…để mỗi đứa trẻ Tày lớn lên lại tiếp tục truyền lại những nét đẹp ấy của dân tộc mình cho đời sau.
Văn hóa ứng xử của người Tày Nghĩa Đô được biết đến từ lâu như một nét đẹp không phai nhạt theo thời gian. Chính từ trong mỗi gia đình, văn hóa ứng xử đã được người Tày gìn giữ và truyền lại. Đó là lối sống đoàn kết giữa các gia đình giữa các bản, giữa anh em trong họ, ngoài họ khi mỗi gia đình có công to, việc lớn. Họ đến để giúp nhau làm nhà, cày ruộng, cấy lúa,...
Người Tày Nghĩa Đô đặc biệt mến khách. Họ đón khách ngay tại chân cầu thang khi có người đến chơi, rồi mời rượu khách quý ngay ở chân cầu thang để tỏ rõ thịnh tình. Khi ăn cơm, người ta mời khách ngồi ở nơi trang trọng nhất trong nhà và mời khách ăn những món ăn do chính bàn tày họ làm ra. Trong mỗi gia đình người Tày Nghĩa Đô, con cháu, ông bà, bố mẹ ứng xử với nhau rất hòa thuận, êm ấm và phép tắc. Người già được con cháu chăm lo chu đáo từ cơm ăn nước uống, bố mẹ luôn dạy bảo các con những điều hay lẽ phải, khi có khách đến nhà chơi thì biết chào hỏi, thưa gửi…
Nghĩa Đô cùng với nhiều địa phương khác đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng. Một trong những tiêu chí quan trọng là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Về Nghĩa Đô hôm nay, diện mạo từ phong trào xây dựng nông thôn mới của nơi đây đã đổi khác. Đường đi lối lại khang trang hơn trước, hàng quán phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân nhiều hơn, các công trình dân sinh được kiên cố. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng đã thu hút đông đảo du khách mọi miền và cả du khách nước ngoài đến tham quan.
Ông Lương Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô chia sẻ: “Tuy diện mạo địa phương có đổi khác nhưng Nghĩa Đô không mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời. Có được điều đó là nhờ vào mạch nguồn chảy mãi trong mỗi gia đình - hạt nhân của sự gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa cổ truyền nơi đây”../.