Teh Dar: Kịch xiếc mang văn hóa Tây Nguyên lên sân khấu đương đại
Một vài cảnh trong vở diễn. Ảnh BTC
Là một trong số các tác phẩm nghệ thuật sân khấu giàu văn hoá và mang hơi thở đương đại của Lune Production, Teh Dar tiếp tục sự nghiệp truyền tải các giá trị văn hoá Việt Nam trong cuộc sống xoay vần, cũng tựa như triết lý đằng sau cái tên Teh Dar, vốn trong tiếng dân tộc K’ho có nghĩa: “đi vòng tròn”.
Teh Dar là hóa thân mãnh liệt của văn hóa Tây Nguyên trên sân khấu đương đại, đưa khán giả vào không gian ma mị của những cuộc săn voi, đêm trăng hò hẹn, rừng già ẩn sự chết và tái sinh. Vở diễn hút hồn người xem với kỹ thuật xiếc tre và nhào lộn mạo hiểm táo bạo, cùng âm sắc các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như cồng chiêng đầy mê hoặc.
Teh Dar là “kịch xiếc mới” với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật xiếc như đu dây, nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, cùng nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ hòa trong âm thanh, ánh sáng huyền ảo, ấn tượng. Những thủ pháp nghệ thuật đa dạng, gay cấn pha hài hước khiến người xem tự do tưởng tượng về cuộc sống cũng như suy nghĩ và tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên. Khán giả thật sự bị thuyết phục bởi khả năng phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt của diễn viên cùng với những đạo cụ rất thô sơ, chỉ là thúng, gùi, thân tre… Và ấn tượng nhất là trường đoạn sử dụng mặt nạ gỗ – vật tín ngưỡng trong nhiều lễ hội, lễ cúng của người Ê Đê. Chiếc mặt nạ đội phía sau đầu mang những nét tính cách khác nhau qua sự thể hiện độc đáo trên sân khấu của diễn viên, phản ánh tâm tưởng hướng thiện của người dân tộc Tây Nguyên.
Âm nhạc trong Teh Dar là tiếng của núi rừng vang vọng. Tiếng cồng chiêng ngân vang, tiếng trống Tây Nguyên dồn dập đánh thức thiên nhiên, thôi thúc sự sinh sôi, đâm chồi nở hoa, mùa màng tươi tốt đồng thời khơi dậy những cảm xúc vui, buồn trong lòng người xem.