Tin tức - Sự kiện

120 tài liệu, hiện vật được trưng bày tại Triển lãm “Hội nghị Paris – Đường đến hòa bình”

Cập nhật: 13/07/2018 08:35:52
Số lần đọc: 948
Lần đầu tiên một số tài liệu đã được Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ giải mật, giới thiệu với công chúng Việt Nam tại Triển lãm “Hội nghị Paris – Đường đến hòa bình”.


Khách tham quan tìm hiểu về các tư liệu tại Triển lãm “Hội nghị Paris – Đường đến hòa bình” - Ảnh: Minh Châu.

Ngày 12/7, tại Bảo tàng Hà Nội (số 5 Phạm Hùng), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức khai mạc Triển lãm “Hội nghị Paris – Đường đến hòa bình”.

Đây là sự kiện thực hiện kế hoạch hợp tác giữa cơ quan lưu trữ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 45 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết (1973 – 2018) và 23 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995 – 12/7/2018).

Triển lãm “Hội nghị Paris – Đường đến hòa bình” giới thiệu 120 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về quá trình dẫn đến Hội nghị Paris, diễn biến, kết quả của Hội nghị, việc thực thi Hiệp định, những tác động của nó tới cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước của Việt Nam.

Những tài liệu, hiện vật này được chọn lọc từ các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam và Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ. Đặc biệt, tại Triển lãm này, một số tài liệu đã được Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ giải mật, lần đầu tiên giới thiệu với công chúng Việt Nam.

Giám đốc Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ David S. Ferriero cho biết, phía Hoa Kỳ mang đến Triển lãm 19 bản fax từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, cơ quan lưu trữ của Lyndon B. Johnson,  Richard Nixon, Gerald Ford… Ngoài ra, có 4 bức ảnh từ cơ quan lưu trữ của Mỹ đã được giới thiệu và trưng bày tại Triển lãm như: Ảnh cuộc họp nội các năm 1968 của Tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, ảnh chụp ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ bắt tay nhau năm 1973, sau khi thảo ra hiệp định hòa bình...

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, 45 năm đã trôi qua nhưng những kinh nghiệm lịch sử, bài học quý giá của Hội nghị Paris vẫn được các học giả trong nước và ngoài nước tiếp tục khai thác, nghiên cứu.

Với bố cục 3 phần: Đường đến Hội nghị Paris; Hội nghị Paris – cuộc đàm phán ngoại giao lịch sử; Thực thi Hiệp định Paris, Ban Tổ chức kỳ vọng Triển lãm sẽ giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, ngoại giao và công chúng tiếp cận có cái nhìn toàn diện hơn, nhận thức rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris 1973, đồng thời giúp công chúng Thủ đô thêm một lần nhắc nhớ và tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc trên cả hai phương diện quân sự và ngoại giao.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 20/7./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT