Cơm bồi – Món ăn đặc trưng của vùng đất Minh Hóa (Quảng Bình)
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt ngô, hạt gạo và có thêm cả củ sắn tươi. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng rồi vớt ra để ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa khoảng một giờ đồng hồ là cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn; còn nếu ăn ngay thì đổ ra rá.
Đối với món cơm bồi được làm từ gạo, thì vo gạo với nước nóng, còn các công đoạn khác cũng giống làm với bột ngô. Nếu có thêm sắn củ thì đưa sắn tươi vừa mới đào về rửa sạch, bóc vỏ, ép bớt nước, trộn với bột ngô, bột gạo, nhồi kỹ, rồi cho vào chõ đồ chín thành món cơm bồi.
Món bồi được người Minh Hóa dùng ăn với món ốc đực bắt ở suối và cà lào ở rừng… đã trở thành món ăn và tập quán ẩm thực đặc trưng của người dân nơi đây. Nó là sản phẩm văn hóa do người lao động sáng tạo ra…/.