Tin tức - Sự kiện

Tọa đàm “Xu hướng chính sách đối với Kinh tế nền tảng”

Cập nhật: 02/08/2018 08:44:24
Số lần đọc: 705
(TITC) – Những ứng dụng của kinh tế số, nền tảng số ngày càng phát triển mạnh mẽ và thâm nhập sâu rộng vào kinh tế, xã hội toàn cầu như một xu thế khách quan. Cho tới nay, đã có các nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và gia nhập thị trường du lịch có thể kể đến như Airbnb, Agoda, Booking, Traveloka, Expedia, VnTrip, Triip.me…


Toàn cảnh buổi tọa đàm

Kinh tế nền tảng mở ra nhiều cơ hội, cùng với không ít thách thức đối với mô hình kinh tế truyền thống cũng như công tác quản lý mô hình kinh tế mới này. Đây là nội dung trọng tâm xuyên suốt Tọa đàm “Xu hướng chính sách đối với Kinh tế nền tảng” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (1/8/2018) tại Hà Nội.

Tọa đàm quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật, các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội và đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí. Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển kinh tế nền tảng ở Việt Nam, phát triển kinh tế số từ thực tiễn lĩnh vực vận tải và du lịch, một số vấn đề chính sách và pháp luật liên quan đến kinh tế nền tảng.


PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại tọa đàm

Kinh tế nền tảng được hiểu là hoạt động kinh tế, xã hội dựa trên các nền tảng sử dụng công nghệ số để kết nối và tương tác. Kinh tế nền tảng tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Du lịch cũng như các ngành kinh tế khác có thể chủ động nắm bắt cơ hội, khai thác tính ưu việt của nền tảng số giúp tận dụng tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có, tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các nhu cầu mới và thị trường mới, gia tăng sự linh hoạt, cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và người dùng, thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng nền tảng tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, xóa bỏ các rào cản về không gian và thời gian, giúp kết nối nhà cung cấp và khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác.

Đồng thời, nền tảng giúp tiết kiệm nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và chi phí vận hành cố định. Ông cho biết, tuy không đầu tư vào bất động sản nhưng nền tảng Airbnb đến nay sở hữu hệ thống đặt phòng với 300 triệu người dùng, hoạt động ở 191 quốc gia với 5 triệu tài sản (từ cơ sở quy mô nhỏ, bình dân đến hạng sang). Để đạt được sự tăng trưởng này, các khách sạn sẽ phải mất rất nhiều năm và đầu tư số vốn khổng lồ vào bất động sản và hệ thống quản lý cơ sở vật chất và nhân lực.

Với ưu thế của mình, nền tảng giúp thúc đẩy cạnh tranh nhờ vào việc tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng với chi phí hợp lý hơn. Trên cơ sở tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành cố định nên các nền tảng giúp đưa ra thị trường những dịch vụ mới, phong phú hơn với chi phí hấp dẫn hơn so với mô hình kinh doanh truyền thống cung cấp.

Bên cạnh đó, nền tảng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện ứng xử của người dùng nhờ sự phản hồi từ cộng đồng. Hầu hết các nền tảng cho phép khách hàng đánh giá dịch vụ. Việc này tạo sức ép khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều nền tảng như Amazon, Airbnb… còn cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chấm điểm khách hàng; chức năng này giúp điều chỉnh hành vi của cộng đồng người tham gia nền tảng, ứng xử phù hợp trên một môi trường thông tin minh bạch và chính xác.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng nhận định các nền tảng đã định hình lại thị trường, gây ảnh hưởng thậm chí phá vỡ nhiều mô hình kinh doanh truyền thống. Đồng thời trước xu hướng này, công tác quản lý cần quan tâm bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo mật và tính riêng tư của dữ liệu.  

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã đề xuất những giải pháp nhằm chủ động khai thác, quản lý kinh tế nền tảng, gồm có: (i) nâng cao nhận thức về kinh tế nền tảng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành; (ii) cần thiết có một môi trường chính sách nhất quán, rõ ràng, cởi mở đối với kinh tế nền tảng song hành với đó là các chính sách quan tâm, hỗ trợ mô hình kinh tế truyền thống; (iii) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý nhằm bảo vệ tối đa lợi ích công; (iv) bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc ràng buộc người cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối phải thực hiện biện pháp cần thiết nhằm phát hiện và cảnh báo rủi ro cho người tiêu dùng, đồng thời phân định trách nhiệm giữa các bên liên quan; (v) bảo vệ đối tác thế yếu trong giao dịch; (vi) chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung…

Hồng Nhung

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT