Thú vị nét ẩm thực dân gian Phố Hiến
Những gian hàng ẩm thực được bài trí đơn giản dưới tán nhãn xanh mướt. Các bà, các chị trong tà áo bà ba tươi cười chào đón các thực khách. Qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị, từ những nguyên liệu bình dị, tự nhiên đã làm nên các món ăn có hương vị thanh mát, màu sắc hài hòa, hấp dẫn. Mỗi món ăn đều có nét độc đáo riêng, có món thì cầu kỳ trong cách chế biến, có món lại tinh tế trong cách thể hiện khiến du khách khi qua các gian hàng muốn dừng chân thưởng thức và khi đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon.
Chè sen long nhãn, món ăn được hình thành từ các loại đặc sản của vùng đất Phố Hiến gồm: Hạt sen, long nhãn, bột sắn kết hợp tự nhiên tạo nên thứ hương vị làm mê đắm lòng người thưởng thức. Món ăn dân dã nhưng tinh tế này đòi hỏi người chế biến phải tinh ý và khéo léo từ lựa chọn nguyên liệu đến khi chế biến, trình bày ra bát. Không có màu sắc bắt mắt, không được trang trí cầu kỳ nhưng hấp dẫn bởi hương vị tự nhiên tỏa ra từ bát chè sen long nhãn. Long nhãn căng mọng bao lấy hạt sen trắng ngần với xung quanh là nước bột sắn trong veo tỏa ra hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi, hoa nhài khiến món ăn trở nên thanh khiết. Vị ngọt mát lành của nước, cùi nhãn quê giòn thơm quyện với vị bùi bùi của hạt sen chín mềm. Chè sen long nhãn không chỉ là món ăn giúp giải nhiệt mà còn rất bổ dưỡng, là vị thuốc bổ tâm, an thần.
Bún thang cũng là nét độc đáo riêng của ẩm thực Phố Hiến. Khác với bún thang những nơi khác, bún thang ở Hưng Yên độc đáo bởi sự kỳ công, tỷ mỷ của người chế biến. Để có bát bún thang ngon cần tới hàng chục loại nguyên liệu khác nhau, đặc biệt là thịt lươn. Phải thật khéo léo, tỷ mỷ mới có thể tạo ra bát bún thang có mùi thơm và giữ được vị ngọt, ngon tự nhiên. Ngoài ra còn đòi hỏi sự kết hợp hài hòa của nhiều loại nguyên liệu đồng quê khiến bát bún khi được bưng ra hấp dẫn về màu sắc tự nhiên quyện trong hương vị đậm đà làm mê mẩn thực khách... Ngoài ra còn có các món ăn dân dã, đồng quê khác cũng không kém phần đặc sắc, độc đáo như bánh đúc gói lá chuối, xôi vò, cốm đùm lá sen, bún ốc...
Các gian hàng được bố trí tại khu vực đường Bãi Sậy, đoạn từ đền Trần đến đền Mẫu. Việc tổ chức, bố trí các gian hàng được giao cho UBND phường Quang Trung chủ trì, phối hợp với các đơn vị như: Hội liên hiệp phụ nữ thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố, phòng Kinh tế thành phố. Việc tổ chức các gian hàng không nhằm mục đích kinh doanh, lợi nhuận nên ngoài bày bán sản phẩm hàng hóa, các bà, các chị còn khéo léo, tinh tế giới thiệu với du khách về các món ăn, các loại đặc sản từ quy trình lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến đến tác dụng bổ dưỡng của món ăn đối với sức khỏe. Để tạo ấn tượng cho du khách thập phương khi đến với lễ hội, các gian hàng đều được bố trí trong không gian mở, gần với thiên nhiên, có sự thống nhất, hài hòa trong thẩm mỹ, thân thiện với môi trường.
Trang phục người bán hàng cũng chỉnh tề, phù hợp với không gian lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, trong đó khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, khăn mỏ quạ... để tạo không gian đậm chất văn hóa của làng quê Việt Nam xưa”.
Theo đánh giá qua nhiều năm tổ chức lễ hội thì các gian hàng ẩm thực luôn có sức hút lớn đối với du khách. Bởi vì ngoài được thưởng thức các món ăn ngon, du khách còn được tìm hiểu những nét tinh tế về văn hóa vùng Phố Hiến ẩn chứa trong các món ăn dân dã, đồng quê./.