Non nước Việt Nam

Huyền bí tháp Po Klong Garai, Ninh Thuận

Cập nhật: 14/08/2018 14:11:30
Số lần đọc: 1371
Đến với Ninh Thuận, vùng đất không chỉ được biết đến là nơi có bờ biển dài, cát trắng, nước biển trong xanh, quanh năm rì rào sóng vỗ, nơi có đặc sản nổi tiếng  được cả nước biết đến như: nho, tỏi, táo, cừu, dê… mà nơi đây còn là xứ sở của đền tháp, xứ sở của điệu múa, dân ca Chăm làm hấp dẫn và say mê lòng người.


Trải qua bao đời nay, người Chăm luôn cùng sát cánh, đoàn kết cùng với các dân tộc anh em như Kinh, Hoa, Raglai, Kơho, Churu… để xây dựng quê hương Ninh Thuận. Hiện nay, người Chăm có số dân hơn 161.729 người, sinh sống ở các tỉnh thành khác nhau nhưng Ninh Thuận là nơi người Chăm đông nhất (67.274 người) và cũng là nơi mà người Chăm vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mà nổi bậc nhất, lôi cuốn nhiều du khách nhất đó là khu di tích tháp Po Klong Garai và lễ hội  Kate. Trong đó di tích tháp Po Klong Garai là một trong những ngôi tháp lớn, đẹp nhất đã được nhà nước và nhân dân Ninh Thuận  bảo tồn khá tốt. Đây là cụm tháp Chăm hùng vĩ còn sót lại ở Việt Nam, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa chưa được khai phá của vương quốc Chăm Pa một thời. Trải qua những tác động của nắng, gió, mưa bão… từ mảnh đất Ninh Thuận khắc nghiệt, ngọn tháp vẫn đứng sừng sững thách thức thời gian.Năm 2016, thủ tướng chính phủ ký công nhận tháp này là di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Tháp được xây dựng trên đồi cao mà người Chăm gọi là "đồi trầu" cách mặt biển 80m. Đứng trên đồi tháp này du khách có thể nhìn và quan sát tất cả làng Chăm và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận. Di tích tháp Po Klong Garai bao gồm 3 ngôi tháp (tháp Chính, tháp Cổng, tháp Lửa) và một ngôi đền thờ nhỏ. Tất cả tháp đều xây bằng gạch có 3 tầng kiểu giật cấp. Tháp chính cao 20,5m, có 3 cửa giả và một cửa chính phía đông. Trong tháp chính thờ vị vua Po Klong Garai bằng tượng đá, kiểu Mukalinga. Bên trong tháp chính còn có tượng bò Nandin bằng đá. Trên cửa chính của tháp thờ thần Siva có 8 cánh tay, 2 tay chấp lên đầu cầu nguyện, 6 tay còn lại cầm các vật như dao găm, chĩa ba, bông sen, chén dầu dừa… Những vật cầm này  tượng trưng cho thiện và ác, biểu hiện lưỡng tính của Siva (thần Huỷ diệt và thần Sáng tạo). Tháp cổng cao 8,56m. Đằng sau tháp chính có một đền nhỏ thờ Hoàng hậu Bia Nai Kon tương truyền là vợ của Po Klong Garai. Ở phiá Nam còn có tháp Lửa  cao 9,31m, nơi hàng năm người Chăm cúng tế thần lửa. Ngoài ra, di tích này còn có nhiều bia ký ghi lại năm tháng xây dựng đền, chiến tranh và hòa bình ở vùng đất Ninh Thuận dưới thời vua Po Klong Garai.


Hàng năm tại ngôi tháp này có 4 nghi lễ chính, trong đó Kate là lễ hội lớn nhất. Lễ hội diễn ra ở 3 tháp nhưng tháp Po Klong Garai với đặc điểm và vẻ đẹp độc đáo nên đã lôi cuốn không những cộng đồng Chăm tham gia mà còn cả du khách trong và ngoài nước. Trong dịp lễ hội, nơi đây không chỉ có những lời ca, tục cúng tế, tiếng đàn Kanyi trầm buồn của các tu sĩ mà còn có tiếng trống Ghinăng, tiếng kèn Saranai rộn ràng của chàng trai, cô gái Chăm với sắc phục chói chang đầy khát vọng vươn đến cuộc sống mới đang đổi thay trên quê hương Ninh Thuận. Vào 2017 mới đây Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lich đã công nhận lễ hội Kate được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cụm tháp Po Klong Garai là di tích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, xứng đáng là hạt ngọc long lanh trong chuỗi di tích danh lam thắng cảnh có giá trị ở Ninh Thuận mà chúng ta chưa khai thác hết. Vì vậy, cần đầu tư kinh phí thích đáng, góp phần gìn giữ tu bổ di tích này. Bên cạnh đó cũng cần chuyên gia giỏi tăng cường làm quảng cáo, truyền thông chuyên nghiệp như xây dựng website, phim, youtube, sách, tờ rơi để thu hút, đón nhận khách du lịch về với tháp Po Klong Garai nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung trong thời đại công nghệ 4.0 mà Việt Nam đang hội nhập phát huy./.

Thanh Phương

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Thuận

Nguồn: ninhthuantourist.com

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT