Đặc sắc lễ hội Obon Nhật Bản
Chữ Obon là hình thức viết giản lược của Urabon. Urabon được dịch từ Ullambana (Vu-lan-bồn) trong tiếng Sanskrit. Ở Việt Nam hay gọi là Lễ Vu Lan.
Obon là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Lễ hội này dược tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.
Ở Nhật, tùy từng vùng, từng gia đình có cách thực hiện lễ Obon khác nhau một chút, hoặc còn duy trì nhiều thủ tục truyền thống, nhưng nhìn chung thì một số thủ tục chính gồm: ngày 13/08 (có khi 14/08) người Nhật lau rửa mộ sạch sẽ, cắm hoa mới, thắp hương, rồi mang đèn lồng có thắp nến đến mộ để đón linh hồn của tổ tiên của gia đình mình tại “nghĩa trang” và đưa họ về nhà; ngày 15/08 sẽ tổ chức lễ tương đối lớn để cúng và an ủi linh hồn của tổ tiên tại nhà, đến chiều ngày 15/08 (có khi sáng ngày 16/08) lại đưa linh hồn tổ tiên quay về mộ của gia đình tại nghĩa trang. Trong những vật bày bàn thờ tổ tiên được lập riêng cho dịp này, có hai vật khá đặc biệt, đó là một quả dưa chuột và một quả cà tím được cắm 4 chân làm ngựa và làm bò. Người Nhật quan niệm rằng: khi về với gia đình, linh hồn người khuất cưỡi ngựa cho nhanh chóng trở về nhà. Còn lúc chia tay về mộ thì cưỡi bò cho chậm rãi, tỏ ý quyến luyến. Ngày 16 cả gia đình lại mang đèn lồng thắp hương đưa tiễn linh hồn về mộ.
Lễ Obon đối với người Nhật quan trọng hơn cả ngày giỗ đối với người đã khuất. Đây cũng là dịp những người làm ăn sinh sống xa gia đình trở về nhà để sum họp nghỉ ngơi./.