Tin tức - Sự kiện

Bảo tàng Quảng Nam: Lần đầu ra mắt các bộ sưu tập

Cập nhật: 22/01/2009 08:01:19
Số lần đọc: 1572
Nhân dịp đón xuân Kỷ Sửu, Tết cổ truyền của dân tộc, bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh, Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch giao cho Bảo tàng Quảng Nam tổ chức Trưng bày một số hiện vật, hình ảnh về lịch sử- văn hóa Quảng Nam.

Cuộc trưng bày được khai mạc vào ngày 19/01/2009 tại nhà trưng bày của Trung tâm VHTT tỉnh. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Bảo tàng Quảng Nam cho ra mắt bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh phong phú, đa dạng dưới góc độ của bảo tàng học.

 

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, nhờ sự đầu tư của tỉnh và nỗ lực của cán bộ ngành Bảo tàng đã sưu tầm hàng ngàn hiện vật, hình ảnh có giá trị. Tuy nhiên, nhiều cổ vật quí giá vẫn còn nằm trong kho bảo quản vì chưa có nhà trưng bày. Trước đòi hỏi của nhân dân, của các cấp các ngành muốn được khám phá, tìm hiểu về các hiện vật, các di sản văn hóa, do đó, lãnh đạo Ngành VH-TT&DL có sáng kiến trưng dụng một số mặt bằng của Trung tâm VHTT tỉnh để giới thiệu, trưng bày hiện vật, hình ảnh về văn hóa- lịch sử của tỉnh Quảng Nam. Vì điều kiện và không gian trưng bày có hạn nên Bảo tàng Quảng Nam chỉ giới thiệu khoảng một nghìn hiện vật, hình ảnh tiêu biểu về lịch sử, văn hóa của đất Quảng. Bộ sưu tập này là bằng chứng phản ánh sự hội tụ, giao lưu và tiếp biến nhiều nền văn hoá khác nhau như: văn hoá Sa Huỳnh thời tiền sử và sơ sử, văn hoá Chăm, văn hoá Đại Việt, văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa...

 

Trong các gian trưng bày, lần đầu tiên công chúng sẽ được tìm hiểu nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm, vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt ở miền Trung Việt Nam thông qua các hiện vật độc đáo như nồi gốm, công cụ và vũ khí bằng sắt, bằng đồng thau, nhiều đồ trang sức như khuyên tai đá, hạt cườm đá, cườm mã não, đồ trang sức bằng vàng... Kế đến là hiện vật, hình ảnh về đền tháp cổ, tượng, phù điêu nghệ thuật Champa, cho thấy tài năng sáng tạo và sức sống mãnh liệt của một dân tộc và công trình kiến trúc ở đô thị cổ Hội An- những tinh hoa của đất Quảng đã được UNESCO Di sản Văn hóa Thế giới.

 

Những hình ảnh, hiện vật về lịch sử, chiến tranh cách mạng phần nào khắc họa chân dung con người Quảng Nam đã vượt qua gian nan, hiểm nguy, thể hiện được những phẩm chất kiên cường, bất khuất, cần cù, thông minh, hiếu học... nhất là trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Bên cạnh giới thiệu hiện vật các làng nghề truyền thống xứ Quảng, chúng ta sẽ được tìm hiểu gốm sứ Chu Đậu, một dòng gốm tiêu biểu của Việt Nam, đạt đến đỉnh cao về loại hình sản phẩm, nghệ thuật trang trí lẫn công nghệ sản xuất, được khai quật trong những năm gần đây từ con tàu đắm cổ ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An).

 

Cùng với những di sản văn hóa của người Kinh ở đồng bằng, trung du, Quảng Nam còn giữ gìn nhiều di sản văn hoá quý báu của nhiều dân tộc ít người ở miền núi Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Cor. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các tộc người nơi đây đã sáng tạo và bảo lưu những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú và độc đáo. Những giá trị đó được thể hiện sinh động trong văn hóa mưu sinh, săn bắn, hái lượm, lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, cư trú, nghệ thuật trang trí, diễn xướng dân gian... Tất cả tạo nên một bản sắc riêng của tiểu vùng văn hóa Bắc Tây Nguyên, Nam Trường Sơn.

 

Vì lý do an toàn và điều kiện trưng bày, nhiều hiện vật có giá trị chưa được giới thiệu trong các bộ sưu tập lần này, nhưng sự ra mắt lần đầu tiên của các cổ vật, mang đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ về vẻ đẹp của Quảng Nam trong quá khứ, góp thêm một nét xuân cho quê hương.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT