Sáng tạo sản phẩm du lịch - hướng phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, sáng tạo trong các sản phẩm du lịch nếu đi đúng hướng sẽ giúp nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch, mang lại các giá trị gia tăng. Từ đó, tạo ra nền tảng khác biệt trong lợi thế cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thời kỳ công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Các sản phẩm du lịch sáng tạo sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, giảm tình trạng quá tải và mất cân đối hiện tại. Tuy nhiên, sáng tạo phải đi đôi với bền vững, gia tăng giá trị của tài nguyên du lịch nhưng vẫn phải lấy tính nguyên bản của điểm đến làm nguồn lực của sáng tạo.
ông Jason Lusk - Giám đốc dự án Sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mê Kông chia sẻ về sáng tạo du lịch
Chia sẻ về tiềm năng phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng sáng tạo, ông Jason Lusk - Giám đốc dự án Sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mê Kông (Mekong Innovative Startups in Tourism) cho rằng, sáng tạo là đều cần thiết để tạo dấu ấn khác lạ, thu hút du khách nhưng mọi thứ muốn phát triển tốt phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam hiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trên thế giới, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Vì vậy, công tác phát triển sản phẩm gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên các loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá gần gũi, bảo vệ môi trường… là điều không thể bỏ qua.
Năm 2017, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón được hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2017. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2017, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với 2 năm trước. Tại Việt Nam, hiện có nhiều doanh nghiệp du lịch thực hiện các ý tưởng, cung cấp dịch vụ du lịch mới, thậm chí ngay từ khi mới thành lập.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Giới thiệu về mô hình du lịch mới, ông Nguyễn Đình Hiếu - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sự kiện thể thao bói cá Việt cho biết: khai thác lợi thế về hồ, rừng và nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa ở khu vực hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai), Công ty đã nảy sinh ý tưởng phát triển du lịch sinh thái gắn liền với tự nhiên, đồng thời tiến hành xây dựng Bà Đất homestay để phục vụ khách du lịch. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động hấp dẫn như đi dạo, chạy bộ trong rừng, tham gia chèo thuyền, đánh bắt cá trên hồ Trị An. Bên cạnh đó, du khách còn có dịp tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể trong rừng, bên bờ hồ, đặc biệt là tự mình trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.
Trong khi đó, Công ty du lịch Triip lại phát triển du lịch dựa vào công nghệ để tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường, hướng đến kết nối những nền văn hóa khác nhau trên thế giới và phát triển du lịch bền vững - ông Hồ Việt Hải, Giám đốc Công ty du lịch Triip chia sẻ. Với những tiêu chí về du lịch sáng tạo, Công ty hiện kết nối với 6.000 hướng dẫn viên du lịch trên 100 quốc gia, tổ chức các chuyến du lịch đến hơn 40 thành phố nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tại hội thảo, Giám đốc Ecohost và I love Vietnam Tour cũng đã chia sẻ kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo trong phát triển du lịch. Đó là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung.
Bài: Phạm Phương; ảnh: Ngọc Phượng