Tiền Giang phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ homestay
Hiện nay, tại Tiền Giang đang có xu hướng khai thác du lịch dựa trên những vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương như: vườn vú sữa Vĩnh Kim, vườn sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc… song song với việc mở rộng loại hình du lịch homestay theo các tuyến du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Sở VHTTDL Tiền Giang, loại hình du lịch homestay ở Tiền Giang đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006 và chọn 2 khu vực: Khu du lịch cù lao Thới Sơn và khu du lịch Cái Bè làm mô hình để nhân rộng trong toàn tỉnh.
Du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ homestay ở Tiền Giang có nét độc đáo, khác biệt và tạo sức hút đối với khách quốc tế là các điểm homestay nằm trong các điểm du lịch đã có từ lâu, cùng với lối kiến trúc cổ xưa của những ngôi nhà cổ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè… đáp ứng được nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng Nam bộ.
Để tham gia dịch vụ homestay, các hộ dân đã chỉnh trang lại nhà cửa, cải tạo vườn cây ăn trái, bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động cho khách cùng tham gia như: cách trồng trọt, đánh bắt cá, làm bánh, nấu các món ăn dân dã, hoạt động giao lưu văn hóa,… trải nghiệm các nếp sinh hoạt truyền thống của cộng đồng địa phương; kết hợp việc hướng dẫn du khách tham quan cảnh quan sông nước, miệt vườn, các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, thu hút và kéo dài thời gian tham quan của du khách, tăng chỉ số chi tiêu bình quân trên mỗi du khách.
Theo Sở VHTTDL Tiền Giang, loại hình du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ homestay ở Tiền Giang đã và đang phát triển mạnh góp phần vào tốc độ tăng trưởng nhanh về lượng khách du lịch trong giai đoạn 2001-2010. Năm 2017 đạt 1.850.000 lượt khách trong đó có 734.634 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch là 788,081 tỷ đồng.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với dịch vụ homestay ở Tiền Giang trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương./.
Hồng Thủy