Thuê môi trường rừng đặc dụng ở Lâm Đồng làm du lịch
Tour đi bộ trong khu vực thuê môi trường rừng tại Làng Cù Lần. Ảnh: M.Đạo
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt
Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Vườn) Lê Văn Hương cho biết về Dự án thuộc Công ty TNHH GBQ thuê với hơn 216 ha MTR của Vườn để hoạt động du lịch sinh thái: Căn cứ các quy định, chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh, Vườn đã làm tờ trình và Đề án gửi UBND tỉnh vào đầu tháng 6/2018. Sau đó Sở NN&PTNT thẩm định, đề xuất và UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là thu hút nguồn lực dần thay thế nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch sinh thái; tăng thu ngân sách địa phương.
Trong tổng diện tích được thuê, hơn 44 ha thuộc Tiểu khu 75B và gần 172 ha thuộc Tiểu khu 103, dự án nằm trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Tiểu khu 75B thuộc phân khu hành chính dịch vụ còn Tiểu khu 103 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (theo Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 30/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Căn cứ Quyết định 2691/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2013-2020 thì khu lập Đề án chủ yếu thuộc đối tượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một phần diện tích thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp. Hiện tại, khu vực cho thuê chủ yếu đất có rừng với 212,7 ha; chỉ 3,27 ha đất lâm nghiệp không có rừng. Tổng trữ lượng gỗ 47.698 m3, gồm rừng lá rộng và rừng thông. Đặc biệt, trạng thái rừng lá rộng chiếm diện tích rất lớn: có trữ lượng rất giàu (IIIb) 46,11 ha; có trữ lượng giàu (IIIa3) 80,70 ha và có trữ lượng trung bình (IIIa2) 40,37 ha. Ngoài ra, còn có rừng thông các trạng thái: trung niên nhỏ, trung niên nhỏ hỗn giao lá rộng, thông rải rác, thông trồng…
Theo phê duyệt, thời gian thuê MTR không quá 50 năm; giá thuê ban đầu 2% doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái và các hoạt động kinh doanh khác có hưởng lợi từ MTR (điều chỉnh 5 năm một lần)...
Ưu tiên số 1 bảo tồn và phát triển rừng
Một trong những nguyên tắc thuê MTR UBND tỉnh đưa ra đối với nhà đầu tư là “không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển”. Còn nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái “không làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động - thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên...”. Mặt khác, hoạt động du lịch sinh thái chỉ thực hiện ban ngày, không sử dụng phương tiện cơ giới để vận chuyển, di chuyển; không tổ chức các hoạt động kinh doanh, bán hàng dưới mọi hình thức trong rừng; giao thông sử dụng đường mòn có sẵn, không mở thêm...
Ngày 25/9, chúng tôi trao đổi với đại diện nhà đầu tư (Công ty TNHH GBQ), đơn vị đang tổ chức hoạt động du lịch tại Làng Cù Lần, ông Văn Tuấn Anh rất hào hứng sơ bộ mấy nội dung triển khai của Đề án. Theo ông, ưu thế của khu vực thuê MTR vừa gần Làng Cù Lần, vừa thảm thực vật rất phong phú, cảnh quan rất đẹp. Vì vậy, đơn vị quyết định kết hợp với Vườn xin tỉnh thuê MTR tổ chức hoạt động du lịch sinh thái. Việc tổ chức đã có toàn bộ cơ sở vật chất về du lịch - tham quan ở Làng Cù Lần. Lợi thế này giúp đơn vị không bỏ vốn đầu tư mới, đặc biệt tuân thủ được các nguyên tắc từ Quyết định phê duyệt của tỉnh, cũng như chỉ đạo từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 “về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”.
Ông Văn Tuấn Anh cho biết: Trên cơ sở Làng Cù Lần đã tham gia tour đi bộ ở Sa Pa (hình thành mấy năm nay) và tour du lịch sinh thái ở Đà Nẵng, đơn vị quyết định trước mắt tổ chức tour đi bộ trong rừng tại khu vực thuê MTR. Ông tự hào khẳng định: Cảnh quan, khí hậu ở Sa Pa không có nhiều ưu điểm như ở Lâm Đồng; tour đi bộ trong rừng của Công ty GBQ tổ chức sẽ đem đến cho du khách những cảm nhận và trải nghiệm về sự phong phú về đa dạng sinh học của rừng ở Lâm Đồng. Đặc biệt, trong đó có những cánh rừng thông hai lá dẹt (Pinus krempfii Lecomte), thông Sré (cách gọi của người địa phương). Được biết, đây là loài thông cổ với đặc trưng có hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, trên thế giới chỉ độc nhất ở Việt Nam và có phân bố hẹp ở tỉnh Lâm Đồng, đã và đang rất thu hút các nhà thực vật học thế giới.
Ông Văn Tuấn Anh cho biết thêm, trước mắt, nhà đầu tư cũng phối hợp với Vườn kết hợp các trường học tổ chức hoạt động thể thao. Thông qua hoạt động này, nhằm giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhất là thế hệ trẻ. Lợi thế Vườn có những kinh nghiệm về tổ chức hoạt động giáo dục môi trường sinh thái và Làng Cù Lần tổ chức thành công các tour du lịch sinh thái (năm 2017 có 480 khách tham gia), mô hình này sẽ giúp du khách có điều kiện mở rộng tầm nhìn về thế giới thiên nhiên. Ông Tuấn Anh cam kết: Hoạt động này sẽ tách rời với Làng Cù Lần và Làng sẽ là nơi xuất phát cũng như nơi tập kết trong ngày của tour. Đơn vị tuân thủ nghiêm những quy định của Đề án như không xây dựng nhà, không hoạt động ban đêm trong phạm vi đã thuê. Chỉ làm mấy chòi để áo mưa, dù, thuốc men... “Vì là rừng giàu nên đơn vị mới xin bảo vệ để giữ cho được những cánh rừng. Thông điệp mà chúng tôi muốn đưa đến du khách nói riêng, cộng đồng nói chung là phải bảo vệ được diện mạo của cánh rừng!”, ông Văn Tuấn Anh khẳng định. Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài sản thiên nhiên quý giá và phát triển du lịch sinh thái, cũng là định hướng mà Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt từng nhấn mạnh trong những lần làm việc về Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang./.