Tin tức - Sự kiện

Hà Nội – Điểm hẹn của những nền văn hóa đa sắc màu trên thế giới

Cập nhật: 05/10/2018 15:19:04
Số lần đọc: 941
(TITC) – Những năm trở lại đây, thủ đô Hà Nội trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây được coi là điều kiện thuận lợi góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội - một thành phố thân thiện, hội nhập tới bạn bè quốc tế.

Nô nức khách tham quan tại Lễ hội hoa anh đào (Ảnh minh họa: Internet)

Năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Đến nay, sau 11 năm tổ chức, Lễ hội Hoa anh đào – nay đổi tên thành Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản diễn ra vào tháng 3 hàng năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thủ đô mỗi dịp xuân về.

Được biết, Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản 2018 được tổ chức từ ngày 23-27/3 vừa qua đã thu hút trên 10 vạn lượt khách tham quan. Không chỉ được chiêm ngưỡng những cành hoa anh đào rực rỡ từ đất nước mặt trời mọc, du khách tham dự lễ hội còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa hấp dẫn như trà đạo, cờ vây, cờ Shogi, trò chơi truyền thống Kendama… của Nhật Bản.

Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản là hoạt động mở màn cho chuỗi các sự kiện văn hóa của các quốc gia trên thế giới tổ chức ở Hà Nội trong năm nay. Liên tiếp ngay sau đó là các chương trình “Lễ hội Holi - Sắc màu Ấn Độ 2018” (30/3), “Những ngày châu Âu 2018” (4-6/5), “Một thoáng nước Bỉ” (12/5)…  

Tham gia các sự kiện này, khán giả thủ đô Hà Nội hẳn không thể quên phần trình diễn đi cà kheo rực rỡ và bắt mắt của nghệ sĩ quốc tế tại “Những ngày châu Âu 2018”, hòa mình vào không gian tràn ngập màu sắc rực rỡ của “Lễ hội Holi”, hay ấn tượng đặc biệt với tiết mục múa gậy Majoretteketet - loại hình nghệ thuật đường phố quen thuộc của Bỉ được trình diễn lần đầu tiên trước công chúng tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.

Múa gậy Majoretteketet là loại hình nghệ thuật đường phố phổ biến tại Bỉ cũng như tại Châu Âu (Ảnh: Internet) 

Cùng với các lễ hội thường niên, Hà Nội còn là địa điểm lý tưởng để các quốc gia tổ chức chương trình Những ngày văn hóa tại Việt Nam. Đến nay, đã có nhiều quốc gia tổ chức chương trình này như Nga, Uzbekistan, Philippines, Campuchia, Lào… với một chuỗi các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu những tinh hoa trong văn hóa cũng như đời sống của các quốc gia.

Có thể thấy, các sự kiện quốc tế nói trên đã tạo nên một “bữa tiệc” văn hóa đặc sắc cho người dân thủ đô nói riêng và du khách đến Hà Nội nói chung. Sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, người dân nồng hậu và mến khách… là những lợi thế để “Thành phố hòa bình” liên tục được lựa chọn là điểm đến văn hóa của nhiều quốc gia. Mới đây, thủ đô Hà Nội đã lọt vào danh sách 17 ứng cử viên của hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”. Đây là một hạng mục thuộc Giải thưởng du lịch uy tín nhất thế giới - World Travel Awards.

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, ngành du lịch thủ đô đã đón khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khách thuộc thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á. Nếu như năm 2008, Hà Nội mới đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2017, con số này đã tăng gấp 4 lần, đạt 4,95 triệu. Tính đến hết tháng 9/2018, khách du lịch đến Hà Nội đạt 19,7 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 4,3 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt trên 52 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Việc được lựa chọn là điểm đến để tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia góp phần tăng cường mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của Hà Nội - một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cả nước và là điểm hẹn của những nền văn hóa trên thế giới.

Khánh Trang

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT