TP. Cần Thơ đón 6,7 triệu lượt khách du lịch
Chợ nổi Cái Răng- một điểm thu hút khách du lịch đến với TP. Cần Thơ. (Ảnh: K.V)
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, khách đến Thành phố này tăng mạnh và đều đặn từ năm 2010 cho đến nay, với mức bình quân 12% mỗi năm. Đặc biệt có sự đột phá ở giai đoạn 2016-2017, tăng khoảng 41%.
Hiện TP. Cần Thơ có 271 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 7.100 phòng. So với năm 2004, số lượng cơ sở lưu trú tăng gấp 3 lần. Năm 2017, lượng khách đến Cần Thơ đạt 7,5 triệu lượt, trong đó khách lưu trú 2,2 triệu lượt khách, khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 305.000 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Mức tăng trưởng về lượt khách du lịch ở TP. Cần Thơ trong gần 15 năm qua đã tăng hơn 18 lần.
Có được kết quả trên là do TP. Cần Thơ đã có những quy hoạch, định hướng rõ ràng cho sự phát triển, đầu tư về du lịch, đó là Đề án điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” xác định thế mạnh của Cần Thơ là du lịch đô thị sông nước với điểm nhấn Chợ nổi Cái Răng và du lịch MICE - du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo.
Với Đề án trên, TP. Cần Thơ đã dần hình thành không gian du lịch cụm trung tâm, đó là Ninh Kiều - Cái Răng - Bình Thủy - Phong Điền. Trong đó, quận Ninh Kiều với thế mạnh hạ tầng thương mại dịch vụ phát triển dần hình thành không gian du lịch đô thị, sản phẩm về đêm, du thuyền trên sông. Bình Thủy phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử. Phong Điền phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Cái Răng thu hút khách bằng văn hóa sông nước, làng nghề, homestay… Mỗi quận, huyện đã dần hình thành sản phẩm đặc thù, góp phần làm đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch Thành phố này.
Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng đang dần hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng từ sự kiện, lễ hội, như Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ (10/3 âm lịch), Lễ hội trái cây Tân Lộc (5/5 âm lịch), Lễ Kỳ yên Thượng điền Đình Bình Thủy (vào rằm tháng 4 âm lịch hằng năm), Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng (9/7), Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền (27/9), Ngày hội du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều (tháng 8)…
Đặc biệt, từ năm 2016, Thành ủy TP. Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân Thành phố về đẩy mạnh phát triển du lịch. Mục tiêu của Nghị quyết và Kế hoạch nói trên đều phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Từ đó, các địa phương, các ngành chủ động xây dựng sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh, các nhiệm vụ, định hướng trọng tâm trong phát triển du lịch.
Đồng thời, TP. Cần Thơ đã liên tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều đường bay mới được mở, kết nối TP.Cần Thơ với TP.Hà Nội, Phú Quốc, Côn Đảo, TP. Đà Nẵng, Bangkok… Du lịch Cần Thơ cũng đã liên kết với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng…; hay hình thành liên kết cụm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu…
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, TP. Cần Thơ đang đi đúng hướng khi phát triển “du lịch đô thị miền sông nước”, khai thác vị trí địa lý của mình. Ba vị trí trung tâm tập trung khai thác là trung tâm vùng, trung tâm phân phối và trung tâm vận chuyển. Trong đó, Cần Thơ sẽ xây dựng những sản phẩm dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch gắn với đô thị để tạo nét riêng.
Tổng cục Du lịch Việt Nam xác định, trong chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam sẽ đưa TP. Cần Thơ và TP. Đà Nẵng vào thị trường hướng đến dòng khách ưa thích đặc thù của hai địa phương, đặc biệt là thị trường trọng điểm là châu Âu, Bắc Mỹ, Úc… bên cạnh những thị trường tiềm năng như Đông Bắc Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công… Đây là những thị trường mà hai thành phố nói trên có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau, trao đổi kinh nghiệm trong tiếp đón và dịch vụ phục vụ khách./.