Hành trang lữ khách

Bình yên Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa)

Cập nhật: 22/10/2018 09:24:49
Số lần đọc: 983
Khác hẳn với cái ồn ào, ngột ngạt của lượng du khách cũng như các công trình xây dựng đang quá tải ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bản Cát Cát nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn vẫn giữ được vẻ bình yên cũng như bản sắc văn hoá giữa mây ngàn gió núi Tây Bắc.


Cát Cát mùa hoa cải.

Ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa) chủ yếu vẫn là bà con người Mông sinh sống. Một hướng dẫn viên người bản địa chia sẻ: Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức và xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên. Ở đây còn có có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Bản lấy tên Cát Cát là như vậy. 

Từng có thời gian, Cát Cát cũng bị cuốn theo cơn lốc thương mại du lịch do du khách tới đây quá nhiều. Nhưng với mong muốn trả lại vẻ đẹp hoang sơ của bản làng, sự cố gắng của Ban Quản lý khu du lịch Cát Cát, bản Cát Cát giờ “khoác áo mới” nhưng không mất đi hồn cốt mà còn khiến bản làng trở nên hấp dẫn và quyến rũ hơn trong mắt du khách.

Nơi này không chỉ sở hữu cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Mông. Đến đây để thấy trong trang phục truyền thống, phụ nữ bản địa vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ có tua rua 2 đầu. Váy có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Ðàn ông vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài. Nét độc đáo ở nơi đây là dân bản địa vẫn lưu giữ được phong tục Kéo vợ.

Trai bản nếu đem lòng yêu một cô gái, họ sẽ tổ chức làm cỗ nhờ bạn bè “kéo” cô gái về nhà và giữ cô ấy trong ba ngày. Nếu cô gái đồng ý làm vợ thì sẽ có lễ cưới nếu không họ sẽ lại là bạn bè. Nếu đến bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách còn có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào cầu phúc, cầu mệnh cho dân bản. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của người Mông. 

Bên suối Cát Cát được dựng guồng nước và những chiếc cầu tre xinh xắn tạo khung cảnh lãng mạn cho các bạn trẻ chụp ảnh. Những hàng quán cạnh thác Cát Cát cũng được chuyển đi mà thay vào đó là khu tái hiện lại quá trình xe lanh, dệt vải, nhuộm chàm và in sáp ong trên vải lanh, chạm khắc đá, kỹ thuật thêu tay của đồng bào…

Hoa cải, tam giác mạch, hoa hồng ri, cúc cánh bướm cũng được trồng ở nhiều nơi trong bản khiến khung cảnh nên thơ, bình yên đến lạ. Đến với Cát Cát vào mùa này, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng vườn hồng ri khoe sắc rực rỡ. Hoa hồng ri còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như hoa đuôi công, hoa chiêu quân hay hoa túy điệp. Vừa bước đến bản là bạn có thể bắt gặp ngay sắc hồng hồng, tim tím của loài hoa này, tô đậm cả một góc trời. Hay những vườn hoa cải vàng nở sớm rực rỡ trong nắng hanh cũng khơi gợi nhiều xúc cảm trong lòng du khách.

Trải nghiệm dịch vụ homestay trong những ngôi nhà trình tường ba gian lợp ván gỗ truyền thống của đồng bào Mông cũng là một gợi ý hay. Không gian trong nhà khá đơn giản với nơi thờ cúng, có sàn gác lương thực để dự trữ qua mùa lạnh, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách... nhưng đều ngăn nắp, sạch sẽ.

Chủ nhà sẵn sàng phục vụ du khách những món ăn độc đáo như: Rượu ngô, thắng cố, thịt hun khói, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị... Tối đến, du khách có thể xem và học nhảy nhảy sạp, thưởng thức điệu khèn, tiếng đàn môi xao động lòng người cùng những chàng trai, cô gái người Mông tại khu nhà văn hóa. 

Ngoài nghề nông, trồng lúa trên ruộng bậc thang, dân bản địa còn giỏi các nghề trồng bông, lanh, dệt vải, chạm trổ bạc, chế tác trang sức. Thế nên, với nhiều du khách, tới Cát Cát nhất định phải tham quan làng nghề, chợ thủ công truyền thống và mua thổ cẩm hay vòng cổ, vòng tay, nhẫn,...  do chính đồng bào Mông sản xuất. Các hàng quán hai bên đường được che phủ bằng gỗ, tre, lứa lá,… mang lại cho du khách cảm giác được gần gũi với thiên nhiên và khiến những ngôi nhà nơi đây trở nên hòa quyện tuyệt vời với cây cỏ núi đồi bao quanh bản.

Du khách vào thăm bản cũng không còn phải chịu cảnh chèo kéo, đeo bám bán hàng lưu niệm từ các cháu nhỏ hay những người phụ nữ bản địa. Họ được tự do thoải mái tham quan chụp ảnh mua sắm đồ lưu niệm trong nhà của người trong bản mà không bị xin tiền hoặc làm phiền.

Mang nhiều trải nghiệm thú vị với những nét độc đáo riêng có, Cát Cát là một trong những điểm dừng chân đầy bản sắc trong hành trình khám phá Sa Pa ./.

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Cùng chuyên mục