Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Khai thác tiềm năng du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn

Cập nhật: 22/10/2018 09:45:43
Số lần đọc: 781
Địa bàn quận Liên Chiểu có sẵn những địa danh trong danh sách điểm đến du lịch ở Đà Nẵng như: ghềnh đá làng chài Nam Ô, suối Lương, cảnh sắc hiền hòa hai bên bờ sông Cu Đê, bãi biển Xuân Thiều, khu du lịch sinh thái Hải Vân quan và hàng trăm di tích lịch sử.

Nhiều năm trước, ngành du lịch Đà Nẵng nhen nhóm hy vọng có thể phát triển tuyến du lịch đường sông trên địa bàn quận Liên Chiểu, trong đó chú ý khai thác tiềm năng du lịch sinh thái núi và biển, xây dựng các tuyến, điểm tham quan du lịch dọc bờ sông Cu Đê.

Với mong mỏi đó, mới đây, UBND thành phố đã phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm du lịch dọc sông Cu Đê với tổng diện tích đất quy hoạch 10.971m2, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Trong đó, các điểm được quy hoạch cụ thể bao gồm: khu bến tàu có diện tích 733m2, được quy hoạch để bố trí bến bãi, cầu tàu, quầy bán vé và đưa đón khách; khu bến Hầm Vàng có diện tích 2.118m2, được quy hoạch để bố trí khu nhà hàng, quầy bán hàng lưu niệm, nông sản, tái hiện làng chài và không gian lễ hội; khu miếu Bà diện tích 2.609m2 được giữ lại chỉnh trang hiện trạng kết hợp với công viên cây xanh phục vụ lễ hội; khu đình làng Thủy Tú diện tích 5.511m2 được giữ lại chỉnh trang hiện trạng kết hợp với công viên cây xanh.

Tại quyết định nói trên, UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho UBND quận Liên Chiểu phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cắm mốc ranh giới theo tổng mặt bằng được duyệt; đồng thời chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức niêm yết và công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định.

Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố và các đơn vị liên quan từng bước triển khai quy trình thực hiện đề án, đồng thời mong muốn tiến trình quy hoạch sẽ diễn ra nhanh chóng nhằm góp phần thay đổi đời sống, kinh tế của các hộ dân trên địa bàn quận.

“Chúng tôi hy vọng thành phố nhanh chóng xúc tiến các bước tiếp theo để quận Liên Chiểu sớm hình thành các địa chỉ du lịch phong phú và hấp dẫn, tạo nên những điểm đến thu hút du khách. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn”, ông Hưng nói: Bên cạnh tiềm năng du lịch đường sông, quận Liên Chiểu còn được biết đến với quần thể đình làng, chùa chiền, lăng miếu; trong đó có một số đình làng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố như: đình Trung Nghĩa, đình Hòa Mỹ, đình Đà Sơn, đình Xuân Dương...

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, trong khai thác du lịch, quận Liên Chiểu có thể chú ý đến du lịch làng nghề như làng nghề nước mắm Nam Ô ven theo vịnh Kim Liên và Nam Chơn.

Ngoài ra, đến thăm vùng đất Liên Chiểu, du khách cũng được thưởng thức nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực gỏi cá Nam Ô, mứt (rong) biển Nam Ô và các loại thủy hải sản, hương vị rau rừng được hái từ những ngọn núi nằm rải rác trên địa bàn...

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tỏ ra e ngại khi cho rằng, sở dĩ tiềm năng du lịch trên địa bàn quận Liên Chiểu chưa được chú ý khai thác do các điểm đến nằm rải rác, giao thông không thuận lợi, cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ du lịch như dịch vụ lưu trú, nhà vệ sinh đạt chuẩn, ẩm thực biển hiện còn nghèo nàn.

Ông Vinh trăn trở: “Theo tôi, du lịch ở Liên Chiểu sẽ khó phát triển nếu không được quy hoạch bài bản tất cả các mặt như điểm đến, lưu trú, giao thông, dịch vụ phụ trợ và có chiến lược quảng bá tốt. Chưa kể, khi cảng biển Liên Chiểu hình thành, giao thông hàng hải tập trung về đây khiến lưu lượng xe cộ tăng lên, trong khi hạ tầng giao thông chưa thật sự bảo đảm cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc phát triển du lịch tại địa phương”.

Câu chuyện phát triển ngành du lịch tại địa bàn quận Liên Chiểu thật sự là một thử thách cho các cấp lãnh đạo và chính người dân địa phương. Nhiều năm qua, quận đã xúc tiến xây dựng các điểm đến du lịch như bãi biển Xuân Thiều, bãi biển Nam Ô, khu du lịch Suối Lương, khu du lịch sinh thái Hải Vân quan...

Song, theo ông Vinh, nếu nhìn lại, hiệu quả kinh tế thu lại từ những dịch vụ này vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, cái khó trong lĩnh vực du lịch dọc bờ sông Cu Đê còn là việc định hướng cho người dân đầu tư hoán đổi, cải tạo tàu đánh cá sang tàu chuyên chở khách. Vì vậy, làm sao để bảo đảm nguồn thu từ du lịch cho ngư dân cũng là điều cần được chú ý hiện nay./.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT