Hành trang lữ khách

Tây Nguyên: Đặc sắc lễ hội đâm trâu

Cập nhật: 04/02/2009 14:02:53
Số lần đọc: 2178
Lễ hội đâm trâu có từ rất lâu ở các tỉnh Tây Nguyên, mang đậm dấu ấn văn hóa và phong tục của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên này. Lễ hội đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa.

Đó là những ngày hội thực sự mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây Nguyên. Ngày đầu tiên của lễ hội đâm trâu là ngày hội dựng cột nêu, cột trâu là cọc hiến tế. Những người có uy tín trong làng được giao trách nhiệm mời bà con đến dự hội, già làng làm lễ cúng cột trâu, tiếng kèn Rơ-lét vang lên thánh thót hòa lẫn tiếng chiêng trầm đục. Người chủ tế đứng bên con trâu đọc lời khấn thần và khấn trâu.


Ngày thứ hai lễ đâm trâu thực sự bắt đầu. Già làng cầm nắm gạo và nước sạch vãi vào mình trâu và đọc. Người ta dùng gươm chặt vào hai khuỷu chân con trâu, trời phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, buôn làng năm sau làm ăn được mùa. Các thanh niên đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, giáo nhảy múa quanh con trâu theo nhịp cồng chiêng. Tốp trai làng này nghỉ, tốp khác thay, cứ thế cho đến gần hết đêm. Sau lễ nhảy múa, những trai làng khỏe mạnh bắt đầu đâm trâu. Ai trong số đó đâm một nhát vào tim trâu chết thì cả làng hò reo tán thưởng, chiếc chiêng mẹ úp lên mặt trâu và sau đó lấy máu trâu bôi lên cây nêu, cột đâm trâu và chiếc kèn các chàng trai đang thổi. Lễ cúng tiếp theo được tổ chức bên kho lúa, với ý niệm, mọi điều xấu sẽ qua đi và gia đình sẽ no đủ cả năm.


Cuối cùng, con trâu bị đâm sẽ được xẻ thịt chia cho các gia đình. Một phần con trâu được giữ lại để uống rượu chung tại nhà rông. Có thể nói tục đâm trâu trong ngày lễ hội quy tụ nhiều yếu tố đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên. Mọi người đến dự lễ đâm trâu với mong muốn giải tỏa tâm linh, cầu Giàng (Trời) giúp đỡ, để được thưởng thức những nghi lễ hấp dẫn, được hát múa, đánh chiêng, uống rượu cần, cùng say sưa trong hơi ấm cộng đồng.


Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, lễ hội của nhiều vùng các dân tộc Tây Nguyên đang bị mất dần, không ít buôn làng lâu nay không còn tổ chức lễ hội đâm trâu nữa. Một số nơi khác ở Tây Nguyên, lễ hội bị “biến tướng” đi nhiều, các trai làng múa khiên, đâm trâu với những nghi lễ khác xưa, tiếng chiêng không còn giữ được âm vang như trước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lễ hội đâm trâu bị mai một vì không ít người quan niệm rằng, lễ đâm trâu man rợ và ảnh hưởng đến sản xuất, cần hủy bỏ… Việc nghiên cứu phong tục về văn hóa Tây Nguyên đang đặt ra nhiều vấn đề. Nên chăng có sự gạn lọc để chọn và giữ gìn phần ý nghĩa tinh thần có tính chất truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong tục lệ đâm trâu, bên cạnh việc bãi bỏ những yếu tố ít nhiều mang tính bạo lực cổ xưa.


Nói gì thì nói, lễ đâm trâu nói riêng và lễ hội nói chung vẫn là một sinh hoạt văn hoá có ý nghĩa tinh thần rất lớn cần được hiểu đúng ý nghĩa để có biện pháp bảo tồn phần tinh hoa, truyền thống của nó, nếu không chẳng bao lâu nữa, một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân gian sẽ biến mất.

Nguồn: daktra.com.vn

Cùng chuyên mục