Quảng Trị - Tiềm năng phát triển du lịch
Quảng Trị là đầu mối giao thông quan trọng, nằm ngay giao điểm của các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (gồm hai nhánh Đông và Tây), Quốc lộ 9 gắn với đường Xuyên Á, Quốc lộ 15D, cùng với tuyến đường sắt Bắc – Nam, kết nối với Cảng Cửa Việt, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy; cách không xa thành phố Đông Hà về phía Nam là Sân bay Phú Bài – Thừa Thiên Huế (khoảng 80 km) và Sân bay quốc tế Đà Nẵng (khoảng 150 km).
Với lợi thế là điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nối với Lào – Thái Lan – Mianma qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Có chiều dài 1.450km, chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Mianma nên Quảng Trị có nhiều lợi thế để đầu tư phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiểu vùng sông Mê Kông, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như: JICA, ADB, WB,… vai trò hành lang kinh tế Đông Tây ngày càng được khẳng định, trở thành một động lực phát triển của các tỉnh miền Trung. Đó là điều kiện và lợi thế để đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, hạ tầng giao thông…
Quảng Trị nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh huyền thoại, Đường 9 – Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Đảo Cồn Cỏ, căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu… cùng với các nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Đường 9 đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn cho hệ thống di tích cách mạng lịch sử của tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc, lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Điển hình như Tổ đình Sắc Tứ - một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung; Trung tâm hành hương đức mẹ La Vang hàng năm thu hút hàng triệu tín đồ và du khách thập phương về hành lễ.
Ngoài ra, Quảng Trị được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như: Trằm Trà Lộc, Rừng nguyên sinh Rú Lịnh, hang động Prai, Tà Puồng, thác Chênh Vênh, khu du lịch cộng đồng Klu,…cùng nhiều bãi biển như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái, Mỹ Thủy mang vẻ đẹp rất riêng với cát trắng tinh khôi, bằng phẳng, mịn màng, làn nước trong xanh ít nơi nào có được.
Về ẩm thực, Quảng trị tuy không được mệnh danh là địa phương của tinh hoa ẩm thực, thế nhưng nơi đây có rất nhiều món ăn ngon, đặc sắc, nổi tiếng làm mát lòng du khách mỗi khi có dịp dừng chân. Những đặc sản nơi đây mang hương vị rất riêng biệt, khó hòa lẫn với các vùng đất khác trên đất nước Việt Nam như: Thịt trâu lá trơơng, Cháo cá vạt giường, Bún hến Mai Xá, Rau xà lách xoong, Bánh bột lộc Mỹ Chánh, Bánh ướt Phương Lang, Nem chợ Sãi, Canh ám làng lam…
Hiện nay, Quảng Trị đã quy hoạch các khu dịch vụ - du lịch như: Cửa Việt – Cửa Tùng – Đảo Cồn Cỏ, Cửa Việt – Cửa Tùng, Cửa Tùng – Vĩnh Thái, khu du lịch cộng đồng Klu…và ban hành nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt nhằm gọi mời các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư, khai thác, phát triển dịch vụ - du lịch.
Với các lợi thế đó, Quảng Trị trở thành cầu nối cho các tour du lịch nổi tiếng: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường huyền thoại”, “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”… Đến với Quảng Trị, du khách sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc rất riêng của mảnh đất và con người nơi đây.
Trong định hướng phát triển của tỉnh, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 10% tổng GRDP của tỉnh; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Quảng Trị mời gọi du khách gần xa đến tham quan du lịch và thưởng thức ẩm thực độc đáo, riêng có hấp dẫn của mảnh đất yên tĩnh này. Đồng thời, Quảng Trị luôn mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư, tư vấn cho ngành du lịch cùng phát triển, đi lên, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế nước nhà./.