Hành trang lữ khách

Suối Ấu Vĩnh An (Thanh Hóa) - điểm đến hấp dẫn du khách trong mùa Thu

Cập nhật: 08/11/2018 08:21:08
Số lần đọc: 745
Suối Ấu là địa danh gắn liền với Quần thể danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa danh duy nhất ở Thanh Hóa trồng cây ấu.


Sau khi thu hoạch ấu sẽ được đưa vào bờ để bán cho thương lái và khách du lịch. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Trong vài năm trở lại đây, suối Ấu Vĩnh An đang là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn du khách gần xa trong tiết trời Thu.

Chỉ cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 35km, suối Ấu có vẻ đẹp hoang sơ, hầu như chưa bị tác động bởi bàn tay con người.

Tháng 10, tháng 11 hằng năm là thời điểm thu hoạch ấu chính vụ. Từ bao đời nay, củ ấu không chỉ là món quà quê dân dã mà còn giúp người dân cải thiện đời sống.

Nơi trồng ấu chính là diện tích mặt nước nằm dưới chân dãy núi Bền (dãy núi nằm trên địa phận 2 xã Vĩnh Minh và Vĩnh An), mực nước thường sâu từ 1-3m và hoàn toàn là nước tự nhiên chảy ra từ các khe núi.

Trên dòng suối Ấu, người dân còn trồng thêm cây hoa súng. Có những thời điểm hoa súng nở nhuộm hồng cả dòng suối Ấu tạo thành một suối hoa lung linh, huyền ảo.

Tới suối Ấu vào mùa Thu, ngoài việc ngắm hoa, chụp ảnh, du khách còn rất thích thú với hoạt động trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, đặc biệt là hoạt động bơi thuyền hái ấu, câu cá, thưởng thức ẩm thực địa phương.

Chị Lê Thị Linh - du khách đến từ thành phố Thanh Hóa - chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm suối Ấu, cảm giác rất thích thú. Về đây tôi được cùng người dân bơi thuyền đi hái ấu, được tự luộc ấu, thưởng thức hương vị độc đáo của món ấu luộc, ký ức tuổi thơ như ùa về. Sắp tới, tôi sẽ còn cùng bạn bè trở lại để thực hiện một bộ ảnh thật đẹp về mùa ấu và mùa hoa súng ở nơi này.”

Mỗi năm, người dân địa phương bắt đầu trồng ấu từ giữa tháng 2 âm lịch, ấu cho thu hoạch từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch.

Ở xã Vĩnh An những ngày đầu tháng 11 này, giữa màu xanh bạt ngàn của gần 15 hecta mặt nước trồng cây ấu, hàng chục người dân tất bật thu hoạch củ ấu bán cho các thương lái.

Trước đây, người dân trong vùng chỉ lấy củ ấu về ăn và coi đây như một cây lương thực chống đói trong mùa giáp hạt. Khoảng 10 năm nay, du khách biết đến quần thể danh thắng cấp Quốc gia Kim Sơn nhiều hơn, củ ấu đã trở thành một đặc sản địa phương mà bất cứ ai đến đây vào mùa ấu cũng muốn mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Củ ấu trông xù xì, xấu xí nhưng lại là một món quà quê độc đáo. Sau khi luộc lên củ ấu có hương vị ngọt bùi khó quên. Trong Đông y, củ ấu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt. Nhiều chuyên gia đánh giá trong củ ấu có nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe...

Ca dao, tục ngữ cũng có nhiều câu nói về củ ấu như: “Thương nhau củ ấu cũng tròn” hay “Thân em như củ ấu gai, ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen. Ai ơi nếm thử mà xem. Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.”

Anh Nguyễn Văn Bình - người có kinh nghiệm trên 20 năm trồng ấu ở xã Vĩnh An cho biết ấu rất dễ trồng, vốn đầu tư ít, trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá...

Tuy trồng ấu không khó nhưng việc thu hoạch ấu lại rất vất vả. Ấu thường chín rộ vào cuối thu đầu Đông, lúc trời bắt đầu chuyển rét. Để thu hoạch ấu, người nông dân phải ngồi trên thuyền nhỏ, men theo các gốc ấu để thu hoạch. Nếu không kịp hái, chậm vài ngày, củ ấu già sẽ rụng và chìm xuống bùn.

Chị Nguyễn Thị Vân (thôn 4, xã Vĩnh An) cho biết: “Từ bé tôi đã theo bà, theo mẹ đi mót ấu. Nghề trồng ấu và thu hoạch ấu giúp nông dân trong xã khi nông nhàn. Người hái ấu phải có kinh nghiệm để khi hái không bị gai của củ ấu đâm tứa máu. Nếu người hái ấu không đeo găng tay hoặc găng tay bị rách cả bàn tay sẽ bị đen sì và bị ngứa, rất khó chịu.”

Năm nay, củ ấu mua tại ruộng có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Củ ấu xã Vĩnh An được các thương lái xuất bán đi các nơi như các tỉnh, thành như thành phố Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An...

Ngoài các hộ trực tiếp trồng ấu, những người không trồng ấu cũng có thêm thu nhập từ việc hái thuê hoặc mua bán ấu. Trung bình một ngày, mỗi lao động đi hái ấu thuê có thu nhập khoảng 100.000-150.000 đồng/ngày.

Ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh An, cho biết mỗi năm người dân trong xã thu hoạch được khoảng 30 tấn củ ấu. Mỗi mùa ấu đến, rất nhiều khách du lịch tìm về đây để tận hưởng không khí trong lành và cảnh sắc nên thơ của dòng suối Ấu.

Địa phương đang tuyên truyền vận động nhân dân trong xã tập trung phát triển diện tích trồng củ ấu, trồng hoa súng gắn với phát triển du lịch và quảng bá đặc sản địa phương.

Với cảnh quan môi trường sinh thái, quần thể núi, hang động kỳ vỹ, động Kim Sơn, xã Vĩnh An đã được công nhận là danh thắng quốc gia năm 2009.

Để phát huy giá trị, hiệu quả của khu danh thắng cấp Quốc gia, xã Vĩnh An đang rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền các nhà đầu tư để nơi đây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục