Về thăm Đền Cùng Giếng Ngọc (Bắc Ninh)
Mẫu ở đây là hóa thân của rừng núi, sông biển, đất trời, đã sinh tạo và nuôi nấng, che chở, phù trợ cho sự sống của muôn loài. Việc thờ Mẫu linh thiêng như cây có cội, sông có nguồn, cá có nước, con về với mẹ. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã là tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam.
Giếng Ngọc Cá Thần
Khí thiêng Đền Cùng còn linh hiển ở Giếng Ngọc. Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì giếng cổ nằm trước cửa Đền Cùng không có gì quá nổi bật. Theo người dân làng Diềm, dòng nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên sự trong trẻo, ngọt lành hiếm có. Bởi thế, người làng Diềm thường dùng nước giếng Ngọc để nấu nước, pha trà, tắm gội. Du khách đến tham quan ngoài lễ đền, thưởng ngoạn phong cảnh thì có thể múc nước lên từ giếng và có thể uống trực tiếp sẽ thấy vị mát lành, ngọt tự nhiên và cảm nhận hương vị tinh túy của một làng quê quan họ.
Sự linh hiển của Đền Cùng Giếng Ngọc đã nổi tiếng khắp dân gian từ lâu đời. Truyền rằng từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, thời Lý quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu, có đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược. Đến thời vua Lý Thánh Tông, sinh con “Mình Hổ” cũng đến đây cầu đảo, Hoàng Tử đã tai qua nạn khỏi, vạn sự như ý.
Với những câu chuyện nhiệm màu, linh thiêng được kể bao đời. Ngày nay trăm họ thập phương về đây, cũng là về với cội nguồn, về với Mẫu để hương khói phụng thờ, không chỉ cầu khấn những điều tốt lành mà còn tìm lại sự an yên, thanh thản trong tâm hồn, rũ bỏ mọi vướng bận, ưu phiền để đón nhận một khởi đầu mới với niềm vui mới./
Nguyên Thu