Tổng thống Ấn Độ thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Di sản Mỹ Sơn
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng). (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Tại đây, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã đi tham quan các hiện vật Chăm và viết vào sổ lưu niệm của Bảo tàng.
Thời gian qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Học viện Bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản catalogue “Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với Nghệ thuật Ấn Độ,” nhằm nghiên cứu về 50 hiện vật điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bảo tàng đang phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ nghiên cứu, biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ, chuẩn bị in tại Ấn Độ vào cuối năm 2018.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất Việt Nam. Tại đây, hiện lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chămpa cổ xưa.
Cùng ngày, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đã đến thăm Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Cách đây hơn 500 năm, Quảng Nam đã là cửa ngõ giao thương với nhiều nước trên thế giới thông qua cảng thị Hội An. Cùng với đô thị cổ Hội An, Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch nung và đá sa thạch được xây dựng từ thế kỷ thứ 7-13 đã tạo nên một trung tâm kiến trúc độc đáo, quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa xưa. Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999.
Hiện Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Chính phủ Ấn Độ tài trợ 60 tỷ đồng để trùng tu nhóm tháp K, H và tháp A. Việc trùng tu diễn ra từ năm 2017 và kéo dài trong 5 năm.
Trong quá trình khai quật khu tháp H và K để thực hiện các bước trùng tu, các chuyên gia Ấn Độ và cộng sự phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ. Bước đầu, các hiện vật này được các chuyên gia xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ 7-13.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã và đang tài trợ Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giúp hồi sinh lại khu di tích từng có thời điểm đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. “Chúng tôi rất mong sau chuyến thăm này, Ngài Tổng thống và Phu nhân, cùng các vị khách quý sẽ có ấn tượng tốt đẹp về vùng đất và con người Quảng Nam, đồng thời tin tưởng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ Ấn Độ trong việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích văn hóa hết sức giá trị này,” Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang bày tỏ.
Tổng thống Ram Nath Kovind cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm của chính quyền, cũng như người dân địa phương dành cho Đoàn, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác bảo tồn các giá trị của Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tin tưởng, sự giúp đỡ của Chính phủ và các chuyên gia đến từ Ấn Độ sẽ góp phần tích cực cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng trong việc giữ gìn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Sau khi tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn, Tổng thống Ấn Độ đã trồng cây lưu niệm cạnh lối vào khu đền tháp. Đây là cây bồ đề được Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân, cùng các thành viên trong Đoàn đưa từ vùng đất Phật Bihar của Ấn Độ sang Việt Nam, nhân chuyến công du này./.