Hành trang lữ khách

Lên Yên Bái, nhớ ghé qua những dòng suối nước nóng nổi tiếng của cửa ngõ vùng Tây Bắc này

Cập nhật: 22/11/2018 09:25:36
Số lần đọc: 1641
Nếu có dịp đến với mảnh đất của những cảnh đẹp hoang sơ này, bạn đừng nên bỏ qua top 3 suối nước nóng nổi tiếng dưới đây.

Suối nước nóng Bản Hốc

Lên bản Hốc, du khách sẽ tìm được cho mình những giây phút thư thái trong dòng khoáng nóng trên những bãi “tắm tiên” thơ mộng, tận hưởng cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc...

Trong nắng vàng rực rỡ, Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong những vườn nhãn xanh tốt, từ xa đã vang tiếng thoi dệt vải lách cách, những cô gái trong trang phục áo cỏm váy Thái má đỏ hồng thấp thoáng bên khung cửa tô đậm thêm nét văn hoá Tây Bắc...

Khi ngâm mình trong bồn nước khoáng nóng hổi ở suối bản Hốc xã Sơn Thịnh huyện Văn Chấn, bạn mới cảm nhận được sự kỳ diệu của đất và con người nơi miền Tây tỉnh Yên Bái.

Khi dòng Nhì chảy qua bản Hốc xã Sơn Thịnh thì sinh nguồn nước nóng. Nhiệt độ dòng suối trung bình từ 50°C - 60°C với độ khoáng khá tốt.

Du khách có thể chọn hồ khoáng nóng do người dân bản xây và còn với những ai yêu thiên nhiên hoang sơ có thể ra đồng ngâm mình dưới lòng suối thỏa thích hít thở khí trời.

Không ai nhớ suối Nhì có đã bao lâu, chỉ biết rằng giai thoại về sự tích suối nước nóng bản Hốc cho đến giờ còn được người già trong vùng truyền kể.

Chuyện kể rằng thuở xưa, Ma Long Vương vốn là một con thuồng luồng của đất mường Bảnh, tính nóng như lửa. Biết ngòi Nhì đoạn chảy qua bản Hốc lắm cá, tôm nên nảy sinh lòng tham chiếm giữ. Sau mấy ngày giao tranh dữ dội với Ma Long Vương ngòi Nhì, Ma Long Vương mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về phải lặn sâu dưới đáy nước trốn biệt.

Kể từ ấy, suối Nhì chảy qua bản Hốc nước nóng rát, sủi tăm sùng sục suốt ngày đêm. Người ta bảo rằng, đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận. Thực hư truyền tích khiến cho suối nước nóng bản Hốc mang đậm màu sắc huyền hoặc, thần bí, cuốn hút du khách thập phương.

Suối nước nóng bản Cò Cọi

Từ thị xã Nghĩa Lộ ngược lên Tú Lệ khoảng ba cây số, du khách sẽ thấy biển chỉ dẫn tới suối nước nóng còn 2km là đường đất nhỏ rẽ vào bản. Bản Cò Cọi một ngày nắng đẹp, dịu nhẹ khiến mọi người thấy thật khoan khoái.

Bản san sát những ngôi nhà sàn bình dị. Văng vẳng tiếng cười đùa đâu đó của những cô gái Thái làm không gian bớt vẻ tĩnh lặng.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng dòng suối khoáng nóng, cảnh quan nguyên sơ, người dân thân thiện và mến khách, chắc chắn Cò Cọi sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa.

Đến Cò Cọi, du khách sẽ bắt gặp một khung cảnh hư thực, thực hư như chốn bồng lai nơi trần gian với làn hơi nước tựa lớp sương giăng, lúc mờ lúc tỏ.

Được biết, mạch nước nóng tại bản Cò Cọi được phát hiện vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Nơi đây đã trở thành điểm gặp gỡ của dân bản. Buổi chiều, bà con ra suối tắm để thư giãn, xua đi cái mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. 

Tuy nhiên, nước suối ở Cò Cọi có nhiều khoáng chất nên nếu ai ngâm mình quá lâu sẽ có thể bị say, chếnh choáng, bồng bềnh như trên mây nhưng chỉ lên bờ một lát sẽ lại thấy khỏe ra.

Ngoài ra, sau khi tắm suối, du khách có thể dạo quanh bản khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào và thưởng thức các món ăn đặc sản riêng có của núi rừng Tây Bắc như: gà bản, cá suối nướng, nộm rau rừng...

Suối nước nóng Tú Lệ

Theo Quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, Tú Lệ là xã sát sườn đèo Khau Phạ thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), nằm trọn trong lòng thung lũng, Tú Lệ được biết đến với cảnh đẹp của ruộng bậc thang, nổi tiếng cả nước với xôi nếp thơm dẻo của đồng bào dân tộc Thái.

Nhưng điểm hấp dẫn nhất tại vùng đất sơn cước này là nét sinh hoạt truyền thống hồn nhiên, độc đáo khi tắm tiên tại suối nước nóng.

Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho dòng suối nước nóng quanh năm và người Thái ở Tú Lệ đã tắm nước khoáng miễn phí từ hàng trăm năm nay. Vào mùa đông, khi nhiệt độ ở Tú Lệ chỉ dưới 10 độ thì nhiệt độ dưới suối nước nóng vẫn ở mức 38 – 40 độ, khói bốc nghi ngút.

Ở Tú Lệ có hai bể tắm nước khoáng nóng ngay cạnh dòng suối mát và bên bờ là ruộng nương chín vàng. Một bể tắm rất nóng và một bể tắm ấm. Việc tắm nóng nhiều hay ít là tùy ý mỗi người.

Mỗi khi chiều xuống, từng đoàn người không kể gái, trai, già trẻ, họ kéo nhau xuống dòng suối nước nóng, tự nhiên trút bỏ xiêm y và trở thành những “nàng tiên” giữa núi rừng.

Có người tắm nước khoáng một cách thời thượng, cũng có người mặc váy thay đồ theo phương pháp truyền thống. Thậm chí có cô cô giũ bỏ xiêm y bên trên triền đá để ngâm trọn vẹn thân ngà ngọc trong dòng nước ấm cũng không vấn đề gì vì đó cũng là chuyện đã có hàng trăm năm qua.

Lữ khách tới đây sẽ được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn trong làn nước nóng.

Họ tắm cùng nhau sau một ngày vất vả là cách kết nối tình cảm gia đình thêm thắm thiết. Tắm suối cùng nhau là văn hóa không thể tách rời trong văn hóa của người Thái tại Tú Lệ./.

Nguồn: sonla.tintuc.vn

Cùng chuyên mục