Bảo tồn trang phục truyền thống ở Đông Triều
Từ năm học 2018-2019, học sinh xã Tràng Lương, TX Đông Triều, mặc trang phục dân tộc mình đến trường vào thứ 2 hằng tuần, các ngày lễ lớn của đất nước.
Không phải là địa phương có đông đồng bào DTTS, chỉ chiếm 2,43% dân số, song Đông Triều lại có đến 15 dân tộc anh em, gồm: Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ, Phù Ná, Giáy... sống rải rác ở 27 thôn của 3 xã Tràng Lương, Bình Khê, An Sinh.
Là xã miền núi có 70% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, Tràng Lương đã chú trọng khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, trước khi bước vào năm học 2018-2019, xã chỉ đạo các trường học huy động 100% phụ huynh học sinh, thầy, cô giáo là người DTTS may trang phục dân tộc, mặc trang phục truyền thống dân tộc mình đến trường. Trong lễ khai giảng năm học mới năm nay, hơn 600 học sinh ở các bậc học của xã Tràng Lương đã xúng xính đến trường trong những bộ trang phục dân tộc tạo nên sắc thái đặc trưng riêng cho học sinh vùng miền núi này.
Không chỉ trong ngày khai giảng, từ năm học này, việc mặc trang phục truyền thống dân tộc đã được xem như đồng phục của các trường, trở thành quy định bắt buộc đối với giáo viên, học sinh vào các ngày thứ 2 hàng tuần, ngày lễ lớn của đất nước hay ngày hội văn hóa dân tộc diễn ra vào 19/4 hằng năm. Phát động chương trình đưa trang phục dân tộc vào trường học từ đầu năm học, đến nay, toàn xã đã may được 496 bộ trang phục truyền thống cho giáo viên, học sinh. Trong đó, trường THCS có 137 bộ, tiểu học 238 bộ, mầm non 111 bộ.
Ông Tạ Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Tràng Lương, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, xã đã ban hành nghị quyết về khôi phục, giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Hằng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó giao cho các thôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia khôi phục, gìn giữ các nét văn hóa đặc trưng. Xã cũng thành lập các CLB hát then, đàn tính, soọng cô, để từ đó tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân, học sinh mặc quần áo trang phục truyền thống”.
Cùng với sự chủ động của xã Tràng Lương, TX Đông Triều cũng chú trọng tạo “đất diễn” cho trang phục dân tộc thông qua việc duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, như: Liên hoan văn nghệ các làng, khu phố; liên hoan tiếng hát gia đình; liên hoan tiếng hát dòng họ; liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam... Trong đó, khuyến khích địa phương huy động lực lượng tham gia các tiết mục đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc để đồng bào DTTS có cơ hội mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, thị xã tích cực tổ chức những lớp học truyền dạy những loại hình văn hóa dân gian như: Hát then, soọng cô, đàn tính... với hàng trăm học viên tham dự. Thị xã đầu tư cho xã Tràng Lương 25 bộ quần áo dân tộc Tày, 8 bộ quần áo dân tộc Sán Dìu, 10 chiếc đàn tính phục vụ cho các buổi biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ, tết của người dân. Không chỉ dừng lại ở đó, những năm qua, TX Đông Triều còn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn thị xã; nhất là 3 xã Tràng Lương, An Sinh, Bình Khê về ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển trang phục dân tộc trong thời đại mới... Nhờ đó, hầu hết đồng bào DTTS đều mong muốn gìn giữ, nhiệt tình hưởng ứng thực hiện công tác bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống dân tộc mình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Đông Triều, cho biết: Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết. Xác định người dân chính là chủ thể của vấn đề, thị xã đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân tự làm, tự may trang phục của dân tộc mình; thường xuyên sử dụng trang phục dân tộc trong các ngày lễ, tết. Đặc biệt, thị xã huy động nguồn lực xã hội hóa trong phát triển các trang phục truyền thống các dân tộc, tiến tới mỗi người dân có từ 1-2 bộ trang phục dân tộc trong thời gian tới./.