Hoạt động của ngành

Một số giải pháp kích cầu du lịch Bình Thuận

Cập nhật: 10/02/2009 09:02:50
Số lần đọc: 2163
Năm 2008, du lịch Bình Thuận tiếp tục phát triển khá, với trên 2 triệu lượt khách, đạt kế hoạch đã đề ra và tăng trên 11% so cùng kỳ 2007; trong đó khách du lịch quốc tế đạt trên 195 ngàn lượt, tăng 11,4% so năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch cả năm 2008 đạt khoảng 1.424 tỉ đồng, tăng 32,5% so năm 2007. Chi tiêu khách quốc tế bình quân 70USD/ngày và khách nội địa 400.000 đồng/ngày.

Năm 2009, theo dự báo hoạt động của ngành du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn do sự suy giảm của nền kinh tế thế giới. Bước vào tháng đầu năm 2009, khách du lịch đến Việt Nam giảm trên 10% cho thấy dự báo trên là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên tại Bình Thuận trong tháng 1/2009 hoạt động du lịch vẫn ổn định và có sự tăng trưởng khá, với khoảng 176 ngàn lượt khách, trong đó có 10 ngàn lượt khách quốc tế đến nghĩ dưỡng, du lịch, doanh thu tăng khoảng 25% (đạt 134 tỷ đồng) là dấu hiện tích cực của ngành du lịch Bình Thuận khi bước vào năm mới.

Để du lịch Bình Thuận phát triển ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra là đón 2,2 triệu lượt khách trong đó có 200 ngàn lượt khách quốc tế và doanh thu tăng 15% so năm 2008, thiết nghĩ cần phải có giải pháp nhanh chóng khắc phục một số tồn tại, yếu kém hiện nay. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch nhằm thu hút khách đến với Bình Thuận như vận động các doanh nghiệp du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá buồng phòng, giá dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ăn uống… Đi đôi với khuyến mãi, giảm giá phải nâng cao chất lượng phục vụ khách, đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp đúng hạng sao đã  được công nhận. Xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện; bảo đảm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội tại các khu du lịch, điểm tham quan du lịch.

Những năm qua hạ tầng du lịch đã đầu tư một bước nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém, chưa thỏa mãn nhu cầu đi lại, tham quan, sinh hoạt và khám phá lịch sử, văn hóa của khách. Do vậy cần phải tăng cường đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng các khu du lịch, nhất là những khu du lịch có lượng khách tập trung. Trước hết nên đầu tư kinh phí để đẩy  nhanh tiến độ các công trình đang dang dở như: Kè chống xâm thực Đồi Dương Thương Chánh, hệ thống thoát nước Hàm Tiến, hệ thống xử lý nước thải Hòn Rơm, vỉa hè phía tây đường 716, hệ thống chiếu sáng và cáp quang Lương Sơn- Suối Nước, đường Đatro, đường Võ Thị Sáu vào chùa Phật Quang… Hoàn thành Đề án Cyty Tuor; đầu tư xây dựng một số khu di tích lịch sử-văn hóa để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch trong thời gian qua vẫn còn là một khâu yếu. Do vậy cần phải tăng cường giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận trên hệ thống truyền thông báo chí, cùng với việc nâng cao chất lượng trang Web binhthuantuorist.com. Biên tập phát hành một số tập sách mỏng giới thiệu thật ấn tượng về du lịch Bình Thuận với ngôn ngữ Việt, dịch sang Anh, Nga, Nhật, Hàn… Chỉnh lý, tái bản bản đồ du lịch Bình Thuận phục vụ khách du lịch. Tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước gắn với các thị trường xúc tiến trọng điểm của Tổng cục Du lịch, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Ngành du lịch tỉnh cần có kế hoạch vận động các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch tích cực đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du khách nhất là khách có thu nhập cao, khách quốc tế. Khảo sát tổ chức khai thác tuyến du lịch Phan Thiết-Hàm Thuận-Đa Mi và tuyến Phan Thiết-Thác Bà. Triển khai xét chọn cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách.

Nguồn nhân lực từ trước đến nay chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng và yêu cầu phát triển của du lịch. Do vậy cần rà soát, đánh giá lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện đào tạo nguồn nhân lực du lịch đến năm 2010. Trước mắt phấn đấu có 70% nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là đào tạo về ngoại ngữ, đào tạo thuyết minh cho hướng dẫn viên du lịch và biên tập thuyết minh các di tích Lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển du lịch của tỉnh nhà. Làm được những việc trên là tạo điều kiện cho du lịch Bình Thuận duy trì được tốc độ tăng trưởng trong năm 2009 và tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục