Hành trang lữ khách

Hội đua thuyền trên sông Lô năm 2009

Cập nhật: 13/02/2009 13:02:10
Số lần đọc: 2319
Mấy năm gần đây, cứ vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán thị xã Tuyên Quang lại tổ chức Hội đua thuyền trên sông Lô thu hút hàng vạn khán giả đến xem và cổ vũ.

Anh Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, Phó Ban tổ chức Hội đua thuyền trên sông Lô cho biết, năm 2007 theo chỉ đạo của tỉnh, thị xã Tuyên Quang đã khôi phục lại Hội đua thuyền trên sông Lô, từng bị gián đoạn cách đây gần 20 năm. Ngày đó, gọi là giải bơi chài trên sông Lô, gồm các đội đại diện cho các xã, phường trên địa bàn thị xã tham gia thi đấu với hình thức thi đấu 6 người, bơi bằng thuyền gỗ.

 

Ngay sau khi có kế hoạch khôi phục lại Hội đua thuyền trên sông Lô, UBND thị xã Tuyên Quang đã tham khảo nhiều mẫu thuyền rồng và quyết định đóng 3 chiếc theo mẫu thuyền rồng của phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Thuyền được làm bằng tôn chiều dài tiêu chuẩn 13 m, chiều ngang chỗ rộng nhất 1,1 m, chứa 26 vận động viên thi đấu, trong đó có 24 tay chài, 1 đội trưởng, 1 người lái. Khi thiết kế, người ta đã làm các khoang phao rỗng trong thuyền, nên khi có sự cố bị lật, thuyền vẫn nổi. Năm đầu tiên thi đấu do thiếu thuyền, ban tổ chức phải thuê thêm 4 chiếc thuyền của phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Các năm sau UBND thị xã đồng ý để các phường Tân Quang, Ỷ La, Minh Xuân và xã Tràng Đà bỏ tiền đóng thuyền rồng riêng theo hình thức xã hội hoá. Vì vậy, đã tạo điều kiện cho các địa phương quản lý thuyền được tốt hơn, thuận tiện cho việc luyện tập. Các mẫu thuyền rồng phải đóng theo một thiết kế chung đã được phê duyệt, tại một cơ sở đóng thuyền ở thị xã Tuyên Quang, có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ chuyên môn thị xã. Tại thời điểm hiện nay, một chiếc thuyền rồng đóng có giá trên 40 triệu đồng.


Năm 2007, năm đầu tiên khôi phục lại Hội đua thuyền, với cự ly đường đua 2,5 km, đội xã Nông Tiến (nay là phường Nông Tiến) đã giành giải nhất với thời gian gần 20 phút. Năm 2008 cũng gồm 7 phường, xã của thị xã tham gia, đội xã Tràng Đà đã về nhất với thời gian 18 phút 25 giây. Năm 2009, Hội đua thuyền trên sông Lô được mở rộng về quy mô, thêm 6 đơn vị nữa tham gia gồm phường mới Tân Hà và 5 xã: An Tường, An Khang, Thái Long, Lưỡng Vượng, Đội Cấn của huyện Yên Sơn trước đây mới sáp nhập vào thị xã. Hội đua có 13 đội chia làm 4 tốp, kết quả đội phường Nông Tiến đoạt giải nhất với thời gian 17 phút 19 giây, giải nhì thuộc về đội phường Hưng Thành, giải ba thuộc về đội xã Tràng Đà. Nhìn vào thời gian về đích của đội về giải nhất trong 3 năm tổ chức vừa qua, năm sau thuyền đua đi nhanh hơn năm trước gần 2 phút. Việc thuyền đua đi nhanh hay chậm ít nhiều còn phụ thuộc vào mực nước sông Lô, song cho thấy sự tiến bộ của các đội đua.


Anh Nông Văn Bồng, đội trưởng đội thuyền rồng xã Lưỡng Vượng cho biết, năm nay xã tham gia hội đua thuyền trên sông Lô được chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ, cổ vũ rất cao. Xã còn tổ chức cả một đội cổ động viên của các thôn đến điểm thi đấu, cổ vũ cho đội thuyền rồng của xã mình. Trong 5 xã của huyện Yên Sơn mới sáp nhập vào thị xã Tuyên Quang, có xã Lưỡng Vượng là không có sông Lô chảy qua nên với các tay chài mà nòng cốt là hai thành phần cựu chiến binh và dân quân xã còn hơi bỡ ngỡ. Năm đầu mới đi thi, đội không đặt ra chỉ tiêu đoạt giải mà chỉ là đợt tập dượt đầu tiên. Thế nhưng, một kết quả khá bất ngờ là đội đã về đích đứng thứ 6. Kết thúc hội đua thuyền, UBND xã Lưỡng Vượng đã tổ chức ngay một hội nghị rút kinh nghiệm, đồng thời khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc. Những hạn chế về công tác tuyển và luyện quân, kỹ thuật đường đua, bẻ lái, vai trò của người nhạc trưởng sẽ được khắc phục ngay, phấn đấu trong hội đua năm 2010 đội thuyền rồng xã Lưỡng Vượng sẽ đạt thứ hạng cao hơn.

 

Theo anh Đoàn Trung Đảo, đội trưởng đội thuyền rồng phường Nông Tiến thì bí quyết để có được kết quả cao như vậy là trong cuộc đua các thành viên phải biết khéo léo kết hợp sức mạnh, sức nhanh, sức dướn cộng với kỹ thuật vận dụng dòng nước để bẻ lái và tính toán đường đua khoa học. Nhiều thuyền quân rất khoẻ, nhưng chài không đều nhịp, bẻ cua quá rộng, để nước vào thuyền nhiều, hay sắp xếp người nặng, nhẹ trên thuyền không hợp lý nên thuyền đi không nhanh. Theo thể lệ cuộc thi, những người tham gia hội thi là nam thanh niên trên 18 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại thị xã Tuyên Quang và phải biết bơi. Đội phường Nông Tiến số quân trẻ tuổi không nhiều, hơn nửa số thành viên trong đội ở độ tuổi từ 46 tuổi đến 52 tuổi. Anh Đảo cho biết, hiện nay hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô được chính quyền các phường ngày càng quan tâm. Nhân dân thị xã, du khách gần xa rất đồng tình ủng hộ, cổ vũ với mong muốn hội đua thuyền được duy trì với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Để hội đua được tổ chức đều đặn và ngày càng thu hút được đông đảo sự cổ vũ của người dân TXTQ và khắp nơi trong tỉnh, trong nước cần cósự xã hội hoá hội đua thuyền trên sông Lô. Qua đó mời gọi thêm nhiều nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào sự thành công của hội đua thuyền truyền thống hấp dẫn này.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục